Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Sức mạnh của tình huynh đệ


Sức mạnh của tình huynh đệ

Sau những ngày nằm ở bệnh viện để điều trị bệnh và nhận được sự qua tâm giúp đỡ của anh em trong gia đình Đệ Tử Viện. Một Đệ tử cảm nhận được điều đó và có một vài chia sẻ về sức mạnh của tình huynh đệ.
Tôi viết những điều này khi tôi đã rời bệnh viện sau ca phẩu thuật quyết định đến tương lai của tôi. Là con người như bao người, tôi cũng đầy yếu đuối, tội lỗi và bệnh tật. Tôi mắc phải chứng bệnh mà ai mắc phải cũng phải e ngại khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là lúc rước lễ. Căn bệnh ra mồ hôi tay chân đã xảy ra với tôi từ thời trung học và kéo dài đến nay. Tôi đã tìm và hỏi cách chữa trị nhưng tất cả đều vô hiệu và rồi tạ ơn Chúa tôi đã gặp được phương pháp đó sau khi đi khám tại bệnh viện Đại học Y Dược Huế là phẩu thuật cắt hạch giao cảm.
Tôi đi khám bệnh cùng với một anh em ở lớp 2011, ra đi khám với 2 anh con trai và lần đầu đến bệnh viện nên không biết chỗ nào để làm thủ tục. Hai anh em gặp ai cũng hỏi và cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành thủ tục và tôi nhập viện.
Trước ca phẩu thuật, tôi được anh em tới thăm, động viên tinh thần và cử anh em thay nhau trực tôi trong thời gian chữa bệnh. Thật là vui sướng vì tôi đang sống xa gia đình, bố mẹ ở xa không thể tới kịp. Thế nhưng giờ đây tôi đã có anh em luôn luôn ở bên cạnh tôi, Chính điều này đã cho tôi thêm sức mạnh vượt qua bệnh tật.
Tôi đang nằm trên giường mổ, có một bác sĩ nói với tôi rằng con yên tâm vì con còn có Chúa và Chúa sẽ phù giúp con, tôi đã tin tưởng và tôi phó thác tôi trong tay Chúa. Tôi được mổ vào lúc 08h30 sáng, các bác sĩ gây mê và tôi đã không còn cảm giác gì nữa, tôi đã ngủ. Sau ca phẩu thuật bác sĩ gọi tôi dậy và tôi đang được nằm trong phòng hồi sức cấp cứu. Lúc ấy thân thể tôi đau nhức và tôi không thể ngủ tiếp được.
Chiều ấy tôi được anh Tuấn (huynh trưởng) và anh Paul Dục trực tôi, có một dì hỏi anh Dục rằng “Bố mẹ đâu rồi mà chỉ có hai anh em thôi ?”. Anh Dục trả lời “Dạ, có anh em bên nhà thay nhau trực rồi dì ạ!” dì ấy cười mà nói tiếp “Ừ! thế thì tốt quá con à”. Lúc ấy tôi ứa nước mắt và cổ như nghẹn lại và không nói nên lời. Thật, chính dì ấy đã trả lời giúp tôi một câu hỏi mà đáng ra tôi phải trả lời. Tối hôm đó tôi đã không ngủ được và thầm thì với Chúa rằng “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho con được sống trong  gia đình của Chúa, trong gia đình ấy anh em luôn biết giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau”.
Cùng nằm viện với tôi là anh Nguyễn Đình Tiến, anh ấy phải mổ ruột thừa và nằm viện để điều trị. Hai anh Pet Tĩnh và Pet Tiến trực hai anh em chúng tôi, vì trực ca đêm nên hai anh cũng buồn ngủ ríu mắt, thế nhưng không có chỗ để ngã lưng. Thật vất vả cho hai anh, tôi thấy mà thương nhưng tôi không làm gì được. Trong đêm nay tôi thầm thì và tự hỏi lòng mình vì sao anh em lại hi sinh như vậy? Tôi đã hỏi Chúa và Chúa đã trả lời tôi. Chúa nói, con ơi “Các anh em của con hi sinh như thế vì tình yêu thương, các anh em ấy đã noi gương ta như lời ta dạy: Các con hãy yêu anh em như chính bản thân mình”. Hãy yêu anh em như chính bản thân mình, đó là lời dạy của Chúa và là điều răn mà trong kinh 10 điều răn Chúa tóm lại đó là: Mến Chúa và Yêu Người. Nếu con chỉ mến Chúa mà thôi thì chưa đủ, con cần phải yêu người nữa, vì Thiên Chúa đã yêu thương loài người và Ngài đã sai con một xuống thế gian.
Trải qua những ngày ở bệnh viện, tôi rút ra bài học cho mình “Hãy yêu thương và giúp đỡ mọi người”. Tôi còn nhớ lời huấn đức của anh giám đốc đệ tử rằng “Trong đời tu Dòng điều quan trọng là sống tình huynh đệ trong gia đình với nhau. Đó sẽ là chiếc cầu nối giúp anh em vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và như vậy đời tu chúng ta mới có ý nghĩa”.
Thật vậy, Tình huynh đệ đích thực có khả năng biến đổi cuộc đời mỗi anh em chúng ta. Điều này đã được Chúa Giêsu tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy ”(Ga 15,13-14). Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cách sống tình huynh đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Như thế, khi chúng ta thực hiện những điều Chúa truyền dạy “ là chúng ta sống tình huynh đệ với Chúa Giêsu và nên giống Ngài”.
Chính tình huynh đệ sẽ giúp ta thăng tiến mình và thăng tiến anh em một cách tốt nhất. Tình huynh đệ là mối tình thiêng liêng mà mỗi một anh em nên xây đắp để trong gia đình chúng ta luôn luôn thắm thiết tình Chúa­, tình Người.

VÀ KHI TRO BỤI



1. MỞ ĐẦU

Trong tác phẩm văn học, hình tượng nhân vật là kết quả sự sáng tạo có tính chất hư cấu của tác giả về những đối tượng có đời sống riêng. Đó có thể là những con người như An Mi trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. Đó cũng có thể là những đồ vật, muông thú, cỏ cây được nhân hóa  về tính cách và năng lực, chẳng hạn hình tượng cái giường trong tác phẩm của Xuân Diệu, chú dế mèn - của Tô Hoài…
Hình tượng nhân vật gắn liền một cách mật thiết với cấu trúc ngôn từ trong tác phẩm: ngôn từ của con người đang hành động và ngôn từ của người kể lại hành động đó. Nhân vật không hiện hữu bên ngoài ngôn từ: đó là con người trong sách, con người trên trang giấy, con ngời qua những dòng chữ. Tất nhiên con người trong sách tái hiện hình ảnh người ngoài đời, nhưng bằng con đường của hư cấu, nhân vật trở thành một chất lượng nghệ thuật mới.
Nhân vật là một yếu tố cơ bản nhất của tác phẩm văn học, là tiêu điểm để bộc lộ chủ đề và tư tưởng chủ đề. Do đó nhân vật là nơi tập trung giá trị tư tưởng -  nghệ thuật của tác phẩm văn học. M. Gorki có lần khuyên nhà văn trẻ: “ Anh hãy bỏ nghề văn đi. Đấy không phải là việc của anh, có thể thấy rõ như thế. Anh hoàn toàn không có khả năng miêu tả con người cho sinh động, mà đấy lại là điều chủ yếu”. Miêu tả con người, đó chính là việc xây dựng nhân vật của nhà văn. Nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ sự thể hiện con người qua những  đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách…
Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là  phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định.
Các loại hình nhân vật rất đa dạng, xét về vai trò nhân vật trong tác phẩm, có thể nói tới nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật xuất hiện nhiều hơn trong tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tập trung đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Trong tiểu thuyết Và Khi Tro bụi có nhiều nhân vật chính, đó là An Mi,  Michael, marcus, sophie,… Trong  số những nhân vật chính của tác phẩm lại có thể có những nhân vật được thể hiện đặc biệt nổi bật, có ý nghĩa tư tưởng – thẩm mĩ sâu sắc nhất,  đó là nhân vật trung tâm. An Mi là nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Và khi tro bụi. Vậy hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của nhà văn Đoàn Minh Phượng được thể hiện như thế nào ?



2. NỘI DUNG

a. Khái niệm hình tượng nhân vật:
 Hình tượng nhân vật là nơi thể hiện tập trung lý tưởng đạo đức thẩm mỹ của tác giả, là cái tác động đến người đọc trên ba phương diện; Nội dung nghệ thuật, trình độ, hiệu lực của sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.
b. Tiểu thuyết Và Khi Tro Bụi của tác giả Đoàn Minh Phượng;
+ Vài nét về tác giả:
          Chưa đầy hai mươi tuổi, Phượng rời Việt Nam theo diện đoàn tụ gia đình tại CHLB Đức. Với Phượng, tuổi hai mươi là những ngày bận rộn đi học, đi làm, kiếm tiền trong những ngày mùa đông tuyết trắng xóa. Những ngày đó, chị thường đến những bản tình ca Pháp chị nghe thời còn sống ở Việt Nam. ở trung tâm Sài Gòn, trong những ngày đạn pháo, phượng thường trốn mình vào trong  những cuốn sách, những bộ phim và những bản tình ca. Gia đình chị cũng giằng xé của hai phía, có những người thân đi theo quân giải phóng và có cả lính cộng hòa. Chị sống giữa những tháng ngày đó và mong cuộc chiến dừng lại.
          Rồi phượng ra đi. Phần nhiều hành trang là những kỷ niệm. Những bản nhạc đã nuôi sống chị suốt những năm dài sau này, là sợi dây nối chị với bức ảnh quá khứ, cũng là một dòng nước đặc biệt nuôi quá khứ đó sống liền mạch với Phượng của ngày hôm nay.
          Lưu lạc trong chuyển dịch : “Dấu  chấm hết nào cũng mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết, tôi biết rằng ai  đã chết”… người đàn bà tha hương tên An Mi đã tâm sự như thế trên chuyến tàu đi tìm cái chết sau khi chồng cô, người ràng buộc với cô trên mặt đất đã bị tai nạn, thành tro bụi trong một buổi chiều nước Đức tháng mười một mù sương. Cô muốn tìm xem mình là ai, mình từ đâu đến. Nhưng trong cuốn sổ tay của cô chỉ có hai dòng cô độc: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh”…Phượng cũng đến từ một đất nước có chiến tranh. Và phượng về lại quê nhà không dễ dàng.
          Phải mất hai năm chị mới xin được visa vào Việt Nam. Đó là những ngày khủng khiếp. “Tôi thấy mình lạc lõng và và luôn có cảm giác như mình không tồn tại trên mặt đất. Như thể mình bị cắt rời khỏi phần máu thịt của mình”. Thế nên,  phượng đã tìm cách trở về, dù biết gian khó. Để chấm dứt những ngày tháng đằng đẵng làm việc, đi về trên những chuyến xe dài, chìm vào trong những kế hoạch mà mình chẳng biết mình làm để làm gì và làm vì ai. Vì sau hai chục năm xa xứ, chị mới nhận ra là mình chẳng có gì hết, chẳng có một  miếng đất để làm nhà, để trồng xới, để đi ra và trở về để giã từ nó khi cuộc sống buộc ta phải giã từ. Sống trong lòng một xã hội mà sự phân công đã trở nên quá minh bạch, những đứa trẻ có thể phải xa mẹ nếu mẹ nó tỏ ra không đủ sức nuôi chúng; ở một nơi mà người ta chỉ biết sống trong những hộp bê tông, đi chợ trong những gian hàng sạch sẽ và ngập tràn hàng hóa, người ta nhìn mọi thứ ở vật chất cuối cùng, Phượng hiểu rằng nó thật tốt với nhiều người, nhưng không tốt với người nặng nợ với quá khứ, nuôi sống quá khứ bằng những sợi dây tình cảm mơ hồ, nuôi nấng tâm hồn mình bằng những dòng chữ Việt.
          Một năm sau khi “Hạt mưa rơi bao lâu” công chiếu tại Việt Nam, Đoàn Minh Phượng đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay “Và Khi Tro Bụi”. Cuốn tiểu thuyết của cảm xúc, của tâm trạng mở ra cuộc đời của An Mi, người đàn bà tha hương tìm kiếm chính mình trên những toa tàu “vì tôi biết mặt đất là thứ khó giã từ” , rồi chị gặp Michael, người gác gian khách sạn, bất ngờ biết rằng mẹ anh ta bị giết.  Và An Mi đi tìm kiếm cuộc đời mình qua cuộc đời một  cuộc đời khác, đó là số phận của đứa em trai Marcus của Michael và gặp người đàn bà nắm giữ mọi bí mật của gia đình anh , cô giáo Sophie, người về sau đã lấy anh làm chồng. Michael biết sự thật về cái chết của mẹ anh. Bà đã bị chính chồng mình giết chết, khiến Marcus hoảng sợ và bỏ chạy miên miết vào trong rừng trong đêm đầy tuyết. Về sau, chính An Mi đi tìm Marcus trong trại mồ côi. Nhưng sự thật đã bị phủ dày lên như tuyết.
          + Tiểu thuyết Và khi tro bụi
          Cảm xúc mênh mang trong "Và khi tro bụi"
“Và khi tro bụi” giống như khúc nhạc Jazz nào đó trong album của Norah Jones, “Don’t know why” chẳng hạn. Giản dị mà da diết. Cứ ngân vang mãi ngay cả khi ta đã gấp truyện lại.
Truyện kể về một cô gái tìm tới cái chết sau khi người chồng ra đi vì tai nạn trên một hẻm núi. Cô ấy quyết định sẽ đi để tìm lại chính bản thân mình. Để rồi vào ngày cô chết, cô sẽ quay lại nhặt nhạnh từng mảnh thân thể, kí ức để tìm hiểu mình là ai, mình đã chết như thế nào. Nhà văn Đoàn Minh Phượng dẫn dắt người đọc vào thế giới của bà bằng ngôn ngữ hết sức bình dị. Bình dị tới không tưởng như chính hơi thở, chính ngôn ngữ thường ngày ta vẫn thốt ra khỏi miệng khi giao tiếp với nhau vậy.

                            Và khi tro bụi rơi về,
Trong thinh lặng ấy, cận kề quê hương.
(Henry Vaughan 1622 - 1695 (TheRetreat)
Hai câu thơ của Vaughan được Đoàn Minh Phượng dịch lại và chọn làm câu đề từ trong tiểu thuyết “Và khi tro bụi...” của mình. Chỉ với hai cầu đề từ đó, Đoàn Minh Phượng gieo cho độc giả bao nhiêu là dự cảm về nguồn cội, tình yêu và cái chết...khi mở trang đầu tiên của cuốn sách. Tạm xếp truyện và khi tro bụi vào dòng truyện hành trình. Khi đọc và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng những hình ảnh như một bộ phim hiện ra. Và khi tro bụi bắt đầu bằng một cái chết và tiếp diễn bằng một hành trình tìm cái chết. Nhân vật chính của câu chuyện là An Mi, câu chuyện bắt đầu với cái chết chồng của An Mi nhân vật chính trong chuyện
 “chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5 giờ một buổi chiều tháng 11. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi không hoàn toàn hiểu cái chết của anh”. An Mi hoàn toàn không hiểu cái chết của anh. Cô đến dự tang chồng với trang phục màu trắng, màu của tang tóc nơi xứ sở cô sinh ra giữa rừng màu đen, màu tang xứ người đã báo hiệu điều gì đó bất thường. Chỉ với hai từ trắng và đen, Việt Nam và nước Đức, những mảng đối lập của truyện đã hiện ra. Thế rồi cô nhận ra rằng mình cô độc trên cỏi đời. Cô là một cô gái Việt Nam sống trên đất Đức, lạc lõng, không còn người thân, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. An Mi quyết định đi khỏi nhà, một ngày nào đó sẽ chết trên đường, ở một nơi chốn không tên.    
Chuyến hành trình được hoạch định. An Mi gặp nhiều người trên những con tàu…trên chuyến đi tìm chính mình, cô muốn một có một quyển sổ để ghi chép lại một điều gì đó…một cuốn sổ bình thường, nhưng cô không có. Tàu vào ga lúc nửa đêm và mọi cửa hàng đều đóng An Mi cố tìm một cuốn sổ. Cô vào một khách sạn, gây khó dể với người tiếp tân để có được cuốn sổ bìa da thật đẹp mà cô thích cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời của An Mi. Thay đổi hành trình. Thay đổi cả câu chuyện…
Trong ba tháng, tôi sẽ nhặt nhạnh lại mình. Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết. Và cứ thế, ngôn ngữ ấy dẫn ta đi tiếp. Một thứ ngôn ngữ rất giàu sức gợi, xúc tích, chắt lọc để đưa người đọc theo chân An Mi trên những chuyến tàu đi tìm xem cô ấy là ai. Cô ấy sẽ chết ra sao? Sẽ gom nhặt từng mảnh của  cuộc đời mình lại như thế nào? Những mảng đối lập tồn tại trong truyện như hai bức tường song song ngay từ khi người chồng An Mi ra đi. Ta cảm tưởng lúc sắp đồ đạc lại cô gái ấy dường như chẳng còn chút ý thức, chút sinh khí của sự sống nào. Nhưng cô ấy vẫn suy nghĩ, vẫn hành động hết sức logic, hết sức bài bản để quên đi sự hiện diện của người chồng. Sắp xếp cho những kí ức về anh ta sẽ ra đi một cách tự nhiên nhất.

Nhân vật An Mi của Đoàn Minh Phượng trong tiểu thuyết Và khi tro bụi để trồng xới, để ra đi và trở về và để giã từ. Và khi tro bụi không phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Tác giả đã dự báo (và sắp xếp) về cái chết cho nhân vật An Mi  trong Và khi tro bụi là nơi kết thúc của một cuộc đời trong vô vọng. Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi người đọc cảm thấy một điều rằng, chiến tranh đã đem lại những đổ vỡ quá sâu cả về vật chất lẫn tinh thần. Kể cả nhân vật “tôi” tác giả cũng vậy, An Mi đã lạc gần nữa đời người. Bi kịch trần thuật – một phương thức tự sự. Nhân vật dường như chỉ sống với chính mình và độc giả bị kéo vào câu chuyện, nhân vật tôi hành trình trên chuyến xe lửa để đi tìm cái chết, ở đó có sự pha trộn. Nhân vật quan trọng trong tác phẩm là chìa khóa giải mã câu chuyện. Nhân vật trong tiểu thuyết này là những cái tên bị tẩy trắng hoàn toàn, người đọc cảm thấy sợ. Nhân vật trong tác phẩm sợ sự đau đớn, nhân vật là một người phụ nữ có chồng mất trong một vụ tai nạn. Cô muốn tìm xem mình là ai, mình từ đâu đến.
“Trên kệ nhỏ là quyển sổ mở ra và cây bút. Tôi chỉ mới viết hai câu.
Có người là họa sĩ nhưng không vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ ngày đêm mài mực để một hôm phác lên giấy một vệt cong.
Tôi cũng muốn làm như họ: không vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ có những nét. Nhưng thế giới của tôi không nguyên vẹn. Họ vẽ sự thanh bình, mầu đen của họ là khoảng không sâu thẳm, còn tôi tôi vẽ cuộc chiến bại, màu đen của tôi là một thứ bóng tối phủ lên trăm nghìn mảnh vỡ. Họ vẽ cuộc đời của họ, cuộc đời mà tôi không biết nhưng tôi mới nghĩ về bức tranh buồn thảm của mình. Trang giấy vẫn còn trắng.
Tôi lấy bút chì bắt đầu lại trên một trang giấy mới:
Tôi là một đứa trẻ  mồ côi.
Câu thứ hai:
Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh.
Mua một cuốn sổ bằng mọi giá để ghi chép quá khứ của mình, trong tác phẩm các nhân vật đều có cách cắt nghĩa về thân phận “Và khi tro bụi” là sự trãi nghiệm của tác giả. Người đàn bà, nhân vật chính nhận ra, chị cũng là một trong những nạn nhân của chiến tranh. Trong tiểu thuyết này, người đọc cảm thấy sự ám ảnh và sự va chạm văn hóa và sự hụt hẩng. Dĩ nhiên, câu chuyện một người phụ nữ bỏ nhà, bỏ cửa  đi sống trên những chuyến xe lửa với 20 viên thuốc ngủ để sẳn trong túi không thể là một câu chuyện điển hình của một Việt kiều xa quê. Một người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ nguồn ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi khúc này  khúc nọ được, nó cần có sự liên tục. Người đàn bà trong truyện lại làm như vậy với đời mình, chổ nào không vui thì xóa đi, bỏ đi. Đến khi cuộc đời quá nhiều lổ hổng không lấp được thì cô đơn không chịu nỗi, vì sợ đau đớn xóa đi những kí ức buồn của mình vô tình đã xóa cả tình yêu.
Và khi tro bụi không phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám, với những tình tiết giật gân, với những hiện tượng được sắp xếp với trí thông minh tinh nhạy, mà trái lại những đau đớn và dự cảm đã loại  bỏ cái háo hức được tìm ra sự thật. Cuốn tiểu thuyết mà ngay những dòng đầu tác giả đã dự báo về cái chết cho nhân vật chính của mình. Nhưng rốt cuộc chết của nhân vật lại vượt ra ngoài dự định của nhà văn. Hẳn người đọc sẽ cho rằng đó là chuyện tầm phào, tầm phào bởi cuối cùng vẫn chỉ là một cái chết, một dấu chấm hết dẫu rất đậm nhưng  chẳng để làm gì cho một cuộc đời nhợt nhạt. Nhưng cát bụi tàn tro đôi lúc bay lên để không phải trở về với cát bụi tàn tro, có những người họ sợ trở về với đất bởi họ đã mồ côi cho đến lúc chết. Rằng họ không biết thế giới bên kia có bớt cô đơn hay không, nên họ vẫn sống chỉ như kéo dài chưa chết mà thôi. Nhân vật An Mi trong tác phẩm cũng vậy, và khi tro bụi là nơi kết thúc của một cuộc đời lại là nơi bắt đầu cho một cuốn tiểu thuyết mãi mãi còn dang dở. Sống là gì ? chết là gì ? tôi không biết hoặc tôi không hiểu hết ? Nhân vật An Mi của Đoàn Minh Phượng cứ láy đi láy lại những câu hỏi trừu tượng như thế và cuối cùng mọi bi kịch gian díu giữa câu hỏi và câu trả lời, chỉ có câu hỏi là ở lại. Một cô gái không thể khóc trong đám tang của người chồng với một cái chết đột ngột lại có thể “ tất cả chực vỡ ra” khi cô nhìn thấy  một người có vóc dáng giống chồng mình,  ở một nơi hoàn toàn xa lạ nơi toa tàu lắc mạnh đủ để cô nhận ra đó không phải là phòng ngủ của mình. Một cô gái định giành 3 tháng cuối cùng của cuộc đời trên những chuyến tàu, không biết ga đi ga đến, lại có thể hoàn lại “hai năm chưa chết vội” để đi tìm hiểu tấn bi kịch của gia đình mà cô vô tình đọc được trong một cuốn sổ tay. Ở đó người ta không chờ đợi một câu hỏi tồi tệ đến vậy. Nó chỉ làm dấy lên trong lòng người đi tìm câu hỏi và câu trả lời: đã bao giờ bạn nghĩ và hành động như vậy chưa ? một người chồng giết vợ, đứa con trai 5 tuổi bỏ nhà ra đi, người anh trai sau một thời một thời gian tìm em có những lúc hy vọng rồi vô vọng, đã né tránh nỗi đau đến bằng cách lãng quên. Một câu chuyện qua lời kể của 3 nhân vật có những tình tiết do họ tưởng tượng ra để nhốt mình vào đó, không chủ đích làm sáng tỏ sự kiện mà làm sáng tỏ những trạng thái cảm xúc, cái trực cảm mà họ đón nhận. Rốt cuộc, họ vẫn chỉ là những con người cô đơn trong nỗi cô đơn của mình, hoang vu trong cái hoang vu của mình.
An Mi trong lúc xâm nhập vào cuộc đời của những người hoàn toàn xa lạ, cô đã nhận thấy một phần của cuộc đời mình. Ở đó, phần kí ức mà cô không đủ dũng cảm để đối mặt với nó. Kí ức về người mẹ với giọng nói âm vang trong làn đạn bác, kí ức về cô em gái trong tiếng gọi dịu dàng mà da diết (người mà cô đã quay lưng bỏ chạy không ngoái lại suốt 25 năm). Kí ức về một người cha nuôi đã không còn tin vào chúa. Nó ào ạt trở về trong một bản đàn, ở chính khoảng thinh lặng của nó, nơi những (thanh âm đã bất lực như lời) trên những dòng “phụ chú” không bao giờ thành nhạc: “tôi không có kỷ niệm, chữ viết, hình ảnh, ước mơ. Chiều sâu và nỗi buồn là những khoảnh khắc ở những nốt nhạc chứ không phải là một kỷ niệm nào đó mà tôi đang nhớ tới” An Mi đã hiểu rằng con người đã quá thông minh để tạo ra bi kịch cho chính cuộc đời mình, bởi trong khoảnh khắc không ai biết rồi cuộc đời sẽ đi về đâu.
+ Đoạn cuối của tiểu thuyết
Và khi tro bụi rơi về
Tôi muốn viết một câu cuối cùng chiều nay, nhưng trong hành lý của tôi không có một một trang giấy trắng nào. Tôi sẽ không đi tìm một quyển sổ nào nữa. Lần trước, tôi mong mỏi, tôi nghĩ mình nhất thiết phải viết, và không hề nghĩ viết cho ai. Đến khi có được những trang giấy thì tôi không có gì để viết. Những trang giấy chỉ làm cho tôi hiểu rằng cả cuộc đời của tôi chỉ ghi lại được có mấy giòng chữ quạnh quẽ, không đủ để làm đầy nửa trang của một quyển sổ có bìa da rất đẹp. Rồi tôi bắt đầu đọc câu chuyện của một người khác, mượn nó làm câu chuyện của mình để sống trong hai năm. Ở đoạn cuối, hình như người đã đưa câu chuyện ấy cho tôi đến lấy nó lại. Như thế nào, tôi không nhớ. Hình như người ấy chở câu chuyện ấy đi bằng một chiếc xe mầu trắng. Hình như thành phố phủ đầy sương. Hình như không có thành phố nào, chỉ có một vùng sương.
Trước khi chết, tôi muốn trở về với câu chuyện thật của mình. Tôi vẫn còn muốn viết một câu nào đó, một câu nữa thôi, một dấu vết để lại. Con sói đã đi qua cánh đồng tuyết, sức nặng của nó đã làm cho tuyết lún xuống thành những vết cô độc trải dài về cuối tầm mắt. Tôi muốn mình cũng có cái sức nặng của thân thể con sói, sức nặng đủ để lưu lại những dấu chân, cho dù khi mặt trời lên những dấu chân ấy sẽ mất. Tôi không muốn mình không trọng lượng và rồi sẽ tan như khói. Không còn gì, như tôi chưa từng đi qua cuộc đời này.
Dường như tôi cũng có một câu chuyện thật ở nơi vùng trí nhớ không có ánh sáng, tôi không nhìn thấy nó. Như Marcus không bao giờ còn nhìn thấy cây đàn hồ cầm của mẹ em để lại. Tôi cố nhớ lại cuốn phim của đời mình, trong đó có những con đường, những nhà cửa, người quen và công việc. Có một điều gì đó quan trọng hơn nhiều đã ở đó, nhưng nó ở bên ngoài nơi khung hình không vươn tới. Trí nhớ của tôi là người quay phim mê muội đã hướng ống kính tới những điều hiển nhiên dễ hiểu của cuộc sống, cố tìm một chút mạch lạc hơn là những thứ khó lấy nét như dấu chân của loài sói vào lúc ngày chưa đến.
Người tôi yêu lái xe vào một đám sương mù. Tôi còn lại sau khi anh ấy đi rồi, chút mạch lạc gắng lắm mới có được của đời người cũng gẫy đổ vào cái ngày không nắng đó. Tôi cũng muốn chết như anh. Từ xưa đã có bao nhiêu người tự tử để được ở bên người mình yêu nơi cuộc đời bên kia, có một cái gì rất đẹp đẽ và u uất trong chuyện đó. Đáng lẽ quyết định quyên sinh của tôi cũng có một lý do lãng mạn như vậy. Nhưng tôi không có linh hồn. Nhà thờ đã dạy cho tôi điều đó năm tôi 13 tuổi. Giữa linh hồn vĩnh viễn bị đốt cháy trong lửa địa ngục và không có linh hồn, tôi chọn không có linh hồn.
Tôi sẽ ra đi không để lại dấu chân in trên cánh đồng tuyết. Tôi biết rằng ở nơi tôi sinh ra người ta để tang nhau bằng màu trắng. Có lẽ họ hiểu cái chết như vậy, chết là trở về với cánh đồng lúc chưa có loài sói đi qua, một cánh đồng không có dấu chân ai.
Tôi đi đến toa nhà hàng để mua nước suối cho buổi tối. Cô phục vụ nói họ mới cất hàng từ ga vừa qua và chưa kịp mở các thùng giấy ra. Cô hứa sẽ mang nước đến cho tôi sau. Tôi nói để tôi đi lấy cũng được, trong phòng tôi vẫn còn lưng chai nước.
Tôi ăn trưa muộn, ăn rất ít, uống nửa ly rượu vang. Tôi trở về phòng ngủ của riêng mình. Để có thể làm những chuyện cần làm để được chết, người ta không cần nhiều mấy sự can đảm, hay lòng thù ghét cuộc đời, hay tuyệt vọng. Người ta làm chuyện đó bởi vì không có chuyện gì khác để làm.
Tôi cài chốt cửa bên trong. Tôi uống hai viên thuốc chống nôn và sẽ chờ 45 phút trước khi uống 20 viên thuốc an thần. Thuốc chống nôn sẽ làm tôi buồn ngủ, nên tôi không đi nằm. Tôi mặc áo ấm, đến đứng ở cửa sổ. Tôi hạ cửa xuống. Tôi đứng yên vịn lấy thành kính của khung cửa xe lửa, cho gió thổi vào mặt để mình không ngủ và tôi biết tôi sẽ đứng đó trong ba phần tư giờ đồng hồ lạ lùng nhất đời người, trong cái không gian và khoảnh khắc ở giữa cuộc đời và không còn cuộc đời, giữa nỗi buồn và không còn nỗi buồn, giữa những mảnh vỡ và sự nguyên vẹn tuyệt đối của thinh không.
Tôi nhìn ra bên ngoài. Xe lửa đi qua những cánh đồng vào một ngày đông đã qua và xuân chưa tới, một ngày không có mùa và dường như không có ánh sáng cũng không có bóng tối. Một ngày màu xám, thứ màu xám lặng lẽ và bất tận không chứa trong nó một nỗi mong đợi nào. Ven những cánh đồng đã gặt có những bờ cỏ dại. Không phải là cây cỏ với những cành và những lá lao xao, mà chỉ là những cái bóng lờ mờ in trên cái nền xám của khoảnh thời khắc lặng lẽ không phải ngày và không phải đêm. Tôi sắp ra đi yên bình như vầy sao? Ra đi vào một hôm đất trời và cỏ cây không còn hơi thở. Thời gian đã chết.
Tôi nhìn đồng hồ, mới qua hai mươi phút. Tôi còn phải chờ hai mươi lăm phút nữa. Chợt dưng tôi thấy tôi không muốn chờ đợi thêm một phút nào nữa. Sự thanh bình này mong manh. Tôi sợ nỗi buồn chia ly tràn tới.
Tôi dốc hết 20 viên thuốc vào lòng bàn tay. Nước trong cái chai cuối cùng rót ra chỉ còn được nửa ly. Tôi chia những viên thuốc uống ra, uống với ba ngụm nước. Tôi không đóng cửa sổ, lên giường nằm nhắm mắt trong bóng tối nguyên vẹn cuối cùng.
Nhà tôi ở gần một chiếc cầu bắc qua một con sông nhỏ. Cạnh nhà có một con lạch chảy ẩn dưới đám cỏ hoang và lau sậy, chúng tôi chỉ nghe tiếng nước chứ ít có chỗ nhìn thấy giòng nước. Nhưng tôi đã biết vạch lau cỏ để đặt những chiếc lờ cá dưới lạch. Cha tôi đi lính đã ba năm không có nhà. Nhà chỉ có mẹ và hai đứa con gái nhỏ. Mẹ tôi trồng lát, đan chiếu, lâu lâu lại gánh chiếu ra chợ bán một lần. Tôi phụ mẹ nhổ lát, chẻ lát, phơi lát. Hai bàn tay lúc nào cũng sưng. Những khi mẹ tôi buồn, tôi nói: Mẹ đừng khóc, Tết cha về. Tôi nói vậy dù tôi không nhớ mặt cha tôi, không biết ông về nhà thì như thế nào. Việc chính của tôi là trông em. Tôi đi học thì nó ở nhà với mẹ, nhưng nếu mẹ đi chợ xa thì tôi dẫn nó đến đứng ở cửa lớp khi tôi vào học. Tôi cho nó ăn cơm, và tôi đi bắt cá, cắt cỏ hay chạy lông nhông với lũ con nít trong làng, lúc nào con nhỏ em cũng ở sau tôi bốn bước, gần hơn tôi la vì nó làm tôi vướng, xa hơn tôi cũng la vì không trông nó được. Nếu đói, hay bị kiến cắn, hay nước mũi chảy không thở được, nó chỉ cần đứng yên một chỗ mà gọi, tôi sẽ chạy lại lo cho nó. Buổi tối, ba mẹ con ngủ trên bộ ván. Nằm cả ba người một hàng thì chật, phải có một đứa quay đầu ngược lại. Tôi muốn nằm cạnh mẹ, ôm mẹ, nhưng con bé em nhỏ hơn, tôi phải nhường chỗ đó cho nó. Tôi nằm xoay đầu về phía chân, thấy tức mẹ và hơi oán con bé em. Nhưng tôi chưa kịp ngủ thì nó cũng xoay đầu lại nằm bên tôi. Nó ôm tôi dù tôi toàn xương không êm ái như người của mẹ. Nếu tôi xoay lưng về phía nó, nó áp mặt nó vào lưng tôi mà ngủ.
Một tối có tiếng đại bác rơi trong xóm. Chúng tôi đã quen. Chúng tôi chui xuống gầm ván, mẹ tôi đã chất mấy bao cát chung quanh bộ ván. Tiếng đại bác xé gió rít trong đêm rồi rơi xuống đâu đó rất gần, chúng tôi nằm co người cầu Phật cho đạn rơi nơi khác, đừng rơi trên đầu mình. Một tiếng rít sát bên rồi một tiếng ầm lớn, một quả đạn rơi bên cạnh tường, nhà tôi sập. Mẹ tôi nhấc tôi ra khỏi gầm bộ ván, đẩy tôi và gọi: Chạy đi An, chạy đi! Tôi nhắm mắt chạy, không biết gì nữa. Đạn vẫn rơi khắp nơi. Một trái nữa vừa rơi xuống ngay nhà tôi. Chạy thất thần được một quãng tôi mở mắt ra, quay đầu lại nhìn. Tôi không thấy ai bên mình. Tôi có một mình. Tôi loạn cuồng quay đầu chạy ngược lại nhà mình. Căn nhà đã sập hoàn toàn. Mọi người đã chết, chỉ còn mình tôi. Tôi chạy lại ôm xác mẹ, và trong nỗi kinh hoàng, tôi không biết làm gì nữa bây giờ.
Ngày còn nhỏ tôi nhớ câu chuyện đêm hôm đó. Mấy ngày sau, ở trạm y tế, người ta hỏi về gia đình tôi. Tôi nói tất cả người thân của tôi đã chết hết rồi, họ hỏi tôi có thấy xác của người thân không, tôi nói có. Tôi được đưa vào nhà thương để mổ lấy ra những miếng miểng đạn ở lưng và ở vai. Tôi còn nhớ, nhà thương là một chiếc tầu. Tôi không bao giờ còn trở về căn nhà của mẹ tôi nữa. Người ta đưa tôi qua Đức, về với gia đình cha mẹ nuôi.
Ở Đức, tôi không kể câu chuyện đêm đó cho ai nghe, tôi không muốn câu chuyện ấy có thật. Tôi quên mẹ và em, quên tuổi thơ, tôi chưa bao giờ nghe tiếng đạn đại bác rít trong không rồi rơi xuống nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên, đã đêm đêm áp má vào lưng nhau mà ngủ.
Bây giờ, trong giờ phút lênh đênh sắp trôi ra ngoài sự sống, tôi nhớ lại tất cả. Không phải tôi nhớ, mà tôi thấy lại tất cả những điều tôi đã quên hơn hai mươi năm rồi. Tôi sống lại những khoảnh khắc năm xưa với tất cả tình cảm của một đứa bé bảy tuổi. Và bỗng dưng tôi biết một điều tôi chưa bao giờ biết, vào năm đó và tất cả những năm về sau của cuộc đời.
Tôi đang ôm xác mẹ tôi. Đạn đang tiếp tục rú những tiếng kinh hoàng trong không. Tôi đang gần ngất đi. Tôi biết tôi sẽ nằm với mẹ như vậy cho tới khi tôi chết. Nhưng tôi nghe có tiếng gọi từ đâu đó: "An ơi, chạy đi”! Tôi không biết ai gọi những tiếng đó, không hiểu nghĩa của nó, tôi không suy nghĩ, không có ý thức, nhưng cái tiếng gọi đó có một thứ sức mạnh lạ lùng khiến tôi đứng dậy và chạy đi, chạy đi mãi…
Bây giờ, đã một nửa bước vào cái chết, tôi chợt biết cái điều tôi chưa từng biết và chưa từng quên, rằng tiếng gọi đó là của đứa em gái nhỏ. Lúc tôi quay lại căn nhà và nhìn thấy xác mẹ, nó còn sống. Nó còn ở đâu đó trong căn nhà sập, không chạy đi vì nó còn chờ tôi nắm tay nó dẫn theo mình. Con bé luôn luôn biết mình phải ở sau chị nó bốn bước và không được rời xa hơn vì xa hơn thì tôi không trông được. Vậy mà tôi đã chạy đi một mình, bỏ lại con bé em ba tuổi với xác mẹ, trong căn nhà sập, trong lúc đạn đại bác tiếp tục rít trong không khí. Nó gọi “An ơi, chạy đi!” Bây giờ tôi mới hiểu nó gọi An ơi, tới đây dẫn em chạy khỏi đây đi! Nhưng nó không nói ra tất cả các chữ vì quá dài. Cũng có thể nó bị kẹt ở dưới bức tường nhà vừa đổ. Tôi đã không đến cứu nó ra. Tôi chỉ nhắm mắt một mình chạy đi. Tôi chạy đi mãi, đi mãi, 25 năm chưa bao giờ quay đầu lại với đứa em nhỏ chờ tôi đến cứu nó khỏi nỗi kinh hoàng.
Tôi chợt hiểu ra tất cả. Tại sao trong tất cả những năm của đời mình tôi đã không tìm được cái thứ keo để gắn lại các mảnh của cuộc đời lại với nhau và gắn chính mình vào với thế giới loài người. Tôi đã cố hết sức mình, nhưng mọi thứ đều rời rạc, tan tác và tôi mãi là một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để thôi trôi nổi. Bởi vì trong cái khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương, trí óc tôi đã chọn xóa đi cái khoảnh khắc ấy ngay khi nó đang xảy ra, đã chọn không nhận ra tiếng đứa em mình đã trông giữ mỗi ngày. Tôi đã bỏ rơi đứa em trong cái khoảnh khắc quan trọng nhất của cả đời tôi và đời nó, bỏ rơi nó trong cơn sợ hãi, trong hiểm nguy, trong bóng tối vô tận.
Tôi đã chạy đi một mình. Trong phần đời còn lại của tôi tôi vẫn mãi là con bé chị không nhận ra tiếng em mình, nhắm mắt chạy đi mãi không quay đầu lại, không bao giờ mở mắt ra. Trong câu chuyện của Anita, tôi tưởng tôi là Marcus bị bỏ rơi. Bây giờ tôi chợt hiểu ra mình là Michael đã chọn lấy sự mất trí nhớ để đổi lấy sự ấm êm trong căn nhà của Sophie.
Tôi đang trôi gần đến cái chết, đang lênh đênh trên giòng nước chảy xuống triền núi. Một chút nữa, nơi mặt đất dừng lại, giòng nước sẽ rơi xuống vực và bên dưới là thung lũng nằm trong bóng tối mênh mông. Tôi đang trôi và đang mất đi, đang trôi mãi về nơi mặt đất sẽ dừng lại.
Trong lúc ý thức đang tắt dần tôi lại nghe tiếng gọi tôi. Đêm cuối trong nhà thương tôi đã nghe tiếng gọi ấy, tôi ngỡ là tiếng gọi từ một nơi nào trong ký ức, một nơi sương trắng đã phủ lên. Bây giờ thì tôi nhận ra tiếng của em tôi, không phải từ ngày xưa mà trong lúc này. “An ơi, An ơi, chị có đó hay không?” Em tôi còn sống. Nó đang ở một nơi trên trái đất từng là quê hương tôi. Nơi đó nghèo khó hơn nơi này. Nơi đó tôi đã được sinh ra, lớn lên, đi đặt những lờ cá gần nơi những người đàn ông đi đặt mìn.
Tôi biết tôi phải về đi tìm em mình. Và tôi phải trở lại Weilenthal, nơi có người đợi tôi. Tôi không thể chết, ngàn lần không muốn chết. Xin cho tôi sống nhìn thấy em tôi một lần, cho tôi giải mối oan này, quay về với cuộc đời, với sự sống tôi chưa từng được biết và khát khao đến nao lòng. Cho tôi sống những ngày và những đêm của mình, chứ không sống bằng thời gian và trí nhớ của người khác. Cho tôi gặp lại em tôi dù chỉ một lần, một lần thôi là ơn trời vô tận.
Trong lúc đang trôi trong cả một giòng nước, lạ lùng thay, tôi thấy miệng tôi khô đắng và tôi cần một ly nước. Nếu uống được một ly nước trong lúc này, tôi sẽ sống.
Chai nước ở cạnh giường đã hết. Tôi gắng hết sức mình đi đến cửa gian phòng, nhưng cửa đã cài và tôi yếu quá không mở được. Tôi ngã xuống sàn tầu. Tôi nghe tiếng người gọi tôi rõ hơn. Tiếng gọi từ phía bên kia cánh cửa. An ơi, An ơi.
“Thưa bà, tôi mang chai nước suối đến cho bà đây.”
Tôi cố gọi bằng tất cả sức mình còn lại: “Cứu tôi! Xin cứu tôi với!” Tôi không biết tiếng gọi có thoát ra ngoài cổ họng mình và cô gái ở phía bên kia cánh cửa có nghe thấy không. Tôi cố vùng vẫy cho khỏi lịm đi, nhưng tôi không còn điều khiển được thân thể và ý thức của mình. Bóng đêm đang tràn tới, mênh mông.

3. KẾT LUẬN
Và khi tro bụi  kể về cuộc đời của một cô gái bất hạnh ở nhiều mặt. Sinh ra ở Việt Nam vào những năm chiến tranh, mồ côi vì chiến tranh, và phải rời bỏ Việt Nam cũng vì chiến tranh. Trở thành kẻ đơn độc cũng vì chiến tranh. Cô được nhận nuôi ở Đức và phải đối mặt với những trận chiến khác bởi cảm xúc của con người trong thời bình. Và khi không còn lại gì thì cô quyết định ghim đời mình lên những chuyến tàu vô định. Cho tới khi cô bị cuốn vào câu chuyện của một gia đình xa lạ khác.
Ai cũng có một bộ phim, một cuốn truyện làm thay đổi cuộc đời của họ, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hạt mưa rơi bao lâu là bộ phim đã làm thay đổi cách nhìn cuộc sống của tôi. Tôi tìm thấy trong Và khi tro bụi điều mà tôi đã từng học được trong Hạt mưa rơi bao lâu. Chẳng có sự thật nào là sự thật. Chỉ có những sự thật mà chúng ta quyết định chọn lựa để tin, để sống. Khi buông cuốn sách xuống, tôi không biết Michael Kempf có thật sự đáng trách, ông bố của anh ta có đáng thương, Sophie có đáng kinh tởm hay không. Họ đều có những chọn lựa về sự thật khác nhau để tiếp tục sống. Nhưng tôi nghĩ đến Marcus...Vì tôi nghĩ rằng câu chuyện này có thật, và tôi cảm thấy ở đâu đó, trên đời này, có một đứa trẻ tên là Marcus đang bị bỏ rơi... Và tôi không dứt được những suy nghĩ về em... 
"Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết, tôi biết rằng ai đã chết"... An Mi đã tâm sự như thế trên chuyến tàu đi tìm cái chết sau khi chồng cô, người ràng buộc cô với mặt đất bị tai nạn, thành tro bụi trong một buổi chiều nước Đức tháng mười một mù sương. Cô muốn tìm xem mình là ai, mình từ đâu đến. Nhưng trong cuốn sổ tay của cô chỉ có hai dòng cô độc: "Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh"...
“Một cuốn tiểu thuyết giống như một chiếc áo lụa nhuộm vàng hay nhuộm tím. Khi cầm tấm lụa trên tay, khi mặc nó vào người, mấy ai biết gì về những con tằm đã nhả hết tơ và chết đi, không bao giờ thành bướm. Tằm không chết đi thì không có tơ dệt áo. Chỉ có thể có lụa hoặc có bướm, chứ không thể có cả hai. Những cánh bướm chập chờn vào những ngày khô ráo và bất động vào những ngày mưa, sống không ai trông thấy và chết không ai hay biết. Chúng có hay không? Những con bướm thuộc về chính chúng nó, về sự im lặng và sự tàn tạ sớm chiều. Còn những tấm lụa thì bền chắc hơn, ngọt ngào hơn, chúng có thật. Nhưng sự thật thuộc về lũ bướm hay về người mặc áo?”
Chắc chỉ từng này thôi cũng đủ để người đọc thấy được đây là một người có trái tim lạc lõng đang mạch lạc đập, mạch lạc yêu thương và mạch lạc tìm kiếm sự yêu thương. Người ta cứ sống u buồn để rồi quyết định đi tìm cái chết cho mình. Tới khi cận kề cái chết, khao khát sống trỗi dậy và trước mắt chỉ là một màn sương mù dày đặc. Đi qua lớp sương mù ấy là thăm thẳm tối sẫm, mênh mông. Điều gì làm khao khát sống của một người gần như đã đánh mất cuộc đời mình trỗi dậy? Đó là sợi dây ruột thịt. Một trong những điều vĩnh hằng loài người được ban tặng khi vừa được sinh ra. Tôi ước rằng, mình sẽ không bao giờ phải đi vào trong làn tro bụi ấy.
Và khi tro bụi, một câu chuyện buồn rười rượi. Từ những trang viết đầu tiên cho đến dòng chữ cuối cùng. Buồn cuốn hút đến lạ lùng. Tôi thích đoạn kể về cảm giác của An Mi khi nhớ về người chồng của mình, cảm giác bỗng như chạm thấy những mẩu thuốc còn chút ẩm ở đầu lọc. Thật một cách lạ lùng...phần sau của hành trình đó chính là điểm thú vị nhất của cuốn truyện. Đoàn Minh Phượng, tác giả của cuốn tiểu thuyết này, cũng là đạo diễn kiêm biên kịch của bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu. Cả hai tác phẩm này có nhiều điểm tương đồng: Nếu An Mi trong Và khi tro bụi đi tìm lại chính mình, thì cậu bé Hiên trong Hạt mưa rơi bao lâu đi tìm mẹ để biết mình là ai. Cả hai đều đi tìm sự thật bằng những câu chuyện kể của người khác, và mỗi người kể lại có một sự thật khác. Chẳng câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Mỗi người kể đều có một phần sự thật, một phần hư cấu. Đó là câu chuyện của họ, là cách nhìn của họ, là sự thật mà họ chọn lựa, không phải là sự thật như nó đã diễn ra. Nhưng ai biết được, sự thật nào đã diễn ra?
Câu chuyện của Đoàn Minh Phượng đã cho tôi hiểu rằng trên đời chẳng có gì là sự thật toàn mỹ cả. Một phần của sự thật vẫn là sự thật thôi bởi đó là mảnh ghép người ta cần phải nắm lấy để chắp vá lên hình hài của thứ chẳng thể lên tiếng là sự thật của sự thật.
Cái tiếng xấu mãi là cái tiếng xấu. Người chết đi cũng chỉ là hồn ma câm lặng, mong manh trong gió. Sau cái chết, sự thật về người đó chỉ còn là bóng tối. Bóng tối không bao giờ lên tiếng. Sự thật mãi lặng câm. Sau sự thật lặng câm đó, An Mi trở lại cuộc hành trình trên những toa tàu của mình để đi tới cái chết. Để uống những viên thuốc an thần còn dang dở. Bởi cuộc sống của cô đã chẳng còn điều gì níu kéo nữa. Cho tới khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nhất, mảnh kí ức cuối cùng hiện về. Mảnh kí ức dù có quét đi quét lại cả trăm lần trong suốt quãng hành trình đến cái chết An Mi cũng chẳng thể nào nhớ tới. Sự thật lên tiếng khi chủ thể của nó chẳng còn sức chống cự, chẳng còn cất lên tiếng nói. Một cái kết mở hiện ra…
Tuy nhiên, phần khiến người đọc phải suy nghĩ nhiều nhất là khi An Mi đi tìm sự thật về câu chuyện của người gác đêm khách sạn tên là Michael Salascher. Cô mất hai năm trời gián đoạn cuộc hành trình của mình để đi tìm sự thật về cậu bé Marcus, em trai của Micheal, về cái chết của người phụ nữ tên là Anita, mẹ của hai anh em. Nhưng những gì cô thu lượm được là mảnh ghép từ miệng của người đang sống. Có kết tội, có bào chữa, có xấu, có tốt. Còn sự thật là hồn ma câm lặng của người phụ nữ với cây đàn hồ cầm cũ kĩ chẳng thể nói lên điều gì. Nỗi đau mất mát của người anh được xoa dịu bởi một người phụ nữ bao xung quanh là không gian của phật giáo. Người cha anh sau khi làm điều có lỗi với mẹ anh cũng được cô ấy bao bọc như thế. Ru ngủ như thế. Chỉ có Anita, mẹ của hai anh em bị gán tội hư hỏng, bỏ đi theo vùng đất sống động hơn, vui tươi hơn mà thôi.
          Qua cách xây dựng hình tượng nhân vật, tác giả Đoàn Minh Phượng đã mang đến cho người đọc  hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống câu chuyện khai thác cuộc đấu tranh của con người giữa việc lựa chon một cuộc sống dễ dàng yên ổn và quen thuộc với một sự dấn thân theo mong muốn của bản thân, nhưng nhiều khó khăn, mệt mỏi và đôi khi có cả sự mất mát . Người ta thường quan niệm sự dấn thân tạo ra những bi kịch nhưng chính sự an toàn cũng là nguồn gốc của không ít khổ đau.

Chương trình trung thu


Chương trình trung thu
Tại trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp trẻ em mù

I. Thời gian chính thức bắt đầu: 19h00’, ngày 19/9 (tức ngày 15/8 âm lịch).
II. Thành phần phối hợp tổ chức đêm hội trăng rằm cho học sinh trung tâm:
- Thầy cô giáo tại trung tâm, các thầy của Dòng Thánh Tâm, các anh chị sinh viên Khoa Sinh trường ĐHKH Huế.
III. Nội dung chương trình:
1. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu: (Trung tâm đảm nhận).
- Lãnh đạo của trung tâm lên phát biểu khai mạc đêm hội(19h5’).
- Lãnh đạo Dòng Thánh Tâm phát biểu (19h10’).
Thầy PGĐ Giuse Nguyễn Xuân Thắng
2. Múa lân dạo đầu (Dòng Thánh Tâm, 19h20’).
Đội lân của “ĐTVCSC”
3. Ba tiết mục văn nghệ đặc sắc của 3 đơn vị (19h35’).
Ca khúc:……thể loại Beat box Jame Tú Và Peter Ngọc Lý
4. Phá cỗ trung thu. (các em vừa vui chơi vừa ăn bánh kẹo).
5. Giao lưu giữa Dòng Thánh Tâm và học sinh Trung tâm, sau đó phát quà cho các em HS (19h35 – 20h15’).
1. Kính thưa quý vị lãnh đạo TT GD- Hướng nghiệp, đặc biệt là các em thiếu nhi.
Không khí trung thu đã tràn ngập khắp các phố phường, những chiếc đèn ông sao chiếu sáng rực rỡ, tiếng trống thùng tình, thùng thình…vang ngân, những chú lân tinh nghịch đùa nhau nhảy múa, những mâm cỗ mùa trăng đầy ắp. Tất cả như hòa quyện vào nhau tạo nên một  thiên đường nên thơ.
Hoà chung với không khí tưng bừng phấn khởi của thiếu nhi cả nước chào đón tết Trung thu, với mong muốn sẻ chia niềm vui với các em thiếu nhi, ban Giám đốc Đệ Tử Viện Dòng Thánh Tâm Huế chúng tôi đã phối hợp cùng TT BCH đoàn trường ĐHSP tổ chức chương trình vui Tết Trung thu năm 2013 cho các em thiếu nhi tại TT này. 
2. Văn nghệ                                     
Để tiếp tục chương trình văn nghệ tết mùa trăng hôm nay, xin mời quý vị đến với ca khúc “…” do… thể hiện
Xin mời quý vị tiếp tục đến với ca khúc………..
 3. Trò chơi:
Giờ đây, chúng tôi xin mời 10 bạn sinh viên của trường ĐHSP và 10 anh em của Dòng Thánh Tâm bước lên trước. Mỗi người sẽ cùng dắt một em của TT  để tham gia một trò chơi.
Chuyến tàu mang tên “SE Hạnh phúc”
Trò chơi này được chuyển hóa thành một chuyến tàu, trong đó sẽ có 5 sân ga để mỗi khi đoàn tàu dừng lại ga nào, người giữ ga sẽ giữ hành khách đó lại để BTC có mòn quà bí mật dành tặng sau khi kết thúc chuyến hành trình. Lưu ý, khi có tín hiệu còi, đoàn tàu sẽ dừng lại bất ngờ. Nên hành khách  lưu ý làm sao để mình được mời làm người “Hạnh phúc nhất”
Xin chào tất cả các hành khách đang ở trên chuyến tàu mang hiệu “SE Hạnh phúc”.
Thưa quý khách, chuyến hành trình của chúng ta sẽ vòng quanh dãi đất hình chữ S thân thương này. Chúng ta sẽ được băng qua những vùng đất mới lạ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới. Ga Huế xin thông báo với quý khách, còn 5 phút nữa, chuyến tàu ‘SE hạnh phúc’ sẽ khởi hành, xin quý khách hãy ngồi đúng số ghế đã đánh số, nếu hành khách nào bị say sóng hãy ngồi ở tư thế thoải mái nhất, êm đềm nhất. 
 Bây giờ, quý vị hãy thắt dây an toàn để chuyến hành trình của chúng ta bắt đầu. Xin bật mí với tất cả các hành khách, trên chuyến tàu này có 5 cô tiếp viên mang tên “Ngũ đại mỹ nhân”, chắc chắn sẽ làm hài lòng tất cả quý vị.
Chuyến tàu sẽ dừng lại ở 10 Ga để được thưởng thức tất cả những câu hò, điệu hát của vùng đó. Xin lưu ý với Tổ trưởng mỗi ga hãy giữ hành khách đặc biệt của mình tại sân ga để Ban tổ chức có những món quà dành tặng cho hành khách may mắn đó.
1.                 (mở nhạc nền : hành khách cuối cùng).
2.                 Mở tiếng còi tàu
3.                 Mời lên tàu hỏa
Thưa quý khách, chuyến tàu SE Hạnh phúc đang khởi động để chuyển bánh, chúng tôi xin nhắc lại, hãy thắt dây an toàn, thắt dây an toàn, nếu quý khách nào đang còn nói chuyện hãy chú ý, chú ý.
Tạm biệt cố đô thân thương để bay cao, bay xa tới những miền đất mới lạ, nơi ta chưa đặt chân đến.
‘Huế ơi, sao mà thân thương đến thế,
vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được.
Huế êm đềm quá, ơi Huế ơi.
(Mở nhạc: Huế thương)
Thưa hành khách, đoàn tàu SE Hạnh phúc đang gần đến sân Ga của Ga bản Đôn.
Quý khách sẽ được chiêm ngưỡng những chú voi con, những chú voi tinh nghịch, được chiêm ngắm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ mà không kém phần ý nhị.
(Mở: Chú voi con)
Hành khách nào đang say sưa ngắm cảnh hùng vĩ của núi rừng, hãy lưu ý, chuyến tàu đang gần đến Ga Bản thượng. Nơi đây, quý khách sẽ được chiêm ngắm các cô gái có những bộ xiêm áo e ấp, tiếng khèn man điệu và những điệu múa xòe duyên dáng.
(Mở : Chiều lên bản thượng)
Miền tây quê tôi, nước lớn, sông nước mênh mông, tôm cá đầy ao, đồng rộng thẳng cánh cò bay. Xin quý khách ghé lại đây cùng nhắm chén rượu, thưởng thức sản vật đậm đà tình quê sông nước. Những cô gái chân quê trong trang phục áo bà ba làm rung động lòng ai.
(mở Chiếc áo bà ba)
Ai đi xa mà không nhớ quê,
ai đi đâu xin đừng quên điệu hát ‘Lý ngựa ô’.
Anh sẽ quyết đưa nàng về dinh,
đôi ta sẽ sống chung tình bên nhau.
Thưa quý khách, chúng ta đang dừng lại ở Ga L.A từ là Long An.
(Mở Lý ngựa ô)
Ai đã một lần đến với miền tây, đừng quên đi tới sông nước Cửu Long, con sông chất chứa tình quê.
Đoàn tàu SE Hạnh phúc sẽ dừng lại 10 phút để đổi đầu máy, xin quý khách cố gắng đưa mắt để chiêm ngưỡng mảnh đất miền tây nước lớn này.
Đầu máy mang tên ‘SE Hạnh phúc’ đang di chuyển tới để gắn vào tàu. Xin quý khách tiếp tục chuyền hành trình ra bắc, chuyến hành trình sẽ thú vị và chắc chắn sẽ làm quý khách hài lòng.
(mở Quê hương)
Ai là người Việt mà không biết bài hát ‘ Bắc kim thang’. Hành khách sắp đến với ga Kim thang, tại sân ga, quý khách sẽ được nghe bài hát vui nhộn, với tiếng hát của muôn loài, tiếng hát của tuổi thơ đầy mộng ước.
(mở Bắc Kim thang)
Thưa quý khách, ga Cây đa là ga nổi tiếng nhất của bắc thành. Nơi đây, quý khách sẽ được thưởng thức ca khúc và một thời làm say đắm lòng người bởi sự nhẹ nhàng mà không kém phần ý nhị.
(mở Lý cây đa)
Hà nội quê tôi, đất Hà Thành, có lẽ mùa này đã vắng những con mưa. Những con mưa chiều làm tôi nhớ đến quê nhà.
(Mở Hà nội mùa vắng những cơn mưa)
Thưa quý khách, chuyến tàu của chúng ta đang gần rời Ga Hà Thành để trở về Huế thân thương, quý khách đã cùng chúng ta đi vòng quanh dãi đất hình chữ S, được thưởng thức những sản vật đặc sắc của 3 miền.
Việt Nam đất nước tôi, mỗi lần ca khúc cất lên ai mà không xao động, ai mà không thấy ấm lòng.
(Mở Việt Nam quê hương tôi).
Những hành khách yêu mến, chuyến hành trình vòng qua đất nước đã đến sân ga đăck biệt này. Trước mắt quý vị là đông đảo đại biểu tham dự chương trình vui tết mùa trăng.
(mở Tết Trung Thu)
4.                 Múa lân
Chúng ta cùng nổ một tràng pháo tay thật lớn và dài để chào đón đội múa lân của Câu Lạc Bộ “ĐTVCSC” đến từ Đệ Tử Viện Dòng Thánh Tâm.
5.                 Hát
Tiếp theo chương trình ca nhạc, mời quý vị đến với ca khúc……..do nam ca sĩ … thể hiện
6.                 . Tặng quà
Thời khắc phá cỗ đã đến, chúng ta cùng với các em hồi hộp đón nhận những mâm cỗ của mùa trăng được trao tặng bởi tấm lòng yêu thương và sẻ chia của Cha Giám đốc cũng như quý thầy đến từ Dòng Thánh Tâm.  Xin mời các em bước lên.
(khi phát quà mở nhạc các bài hát Trung thu)
Chúng ta cùng với các em vui mừng với những món quà tuy đơn sơ nhưng đầy tràn ý nghĩa. Ước mong rằng món quà nhỏ này sẽ sưởi ấm tấm lòng đơn sơ bé nhỏ của các em.
7.                  Kết thúc, chia tay
Cuộc gặp gỡ nào cũng có lúc chia tay, sự hội ngộ nào cũng có lúc kết. Tuy chương trình kết thúc nhưng âm vang của tết trung thu vẫn còn vang vọng, còn tươi nở trên nụ cười của trẻ thơ. Xin chúc quý vị cũng như các em thiếu nhi một cái tết mùa trăng dạt dào niềm vui và hạnh phúc cùng nhận được nhiều yêu thương từ những tấm lòng, bàn tay nhân ái. Xin cho nụ cười mãi luôn tươi nở trên môi em và kỷ niệm tuổi thơ này mãi xin giữ trọn.
Xin kính mời quý vị ở Cơ sở, BCH Đoàn ĐHSP, Cha Giám đốc, quý thầy và anh em đệ tử cùng nhau chụp bức hình lưu niệm.
6. Phát biểu cảm ơn đến Dòng Thánh Tâm (Trung tâm).
7. Giao lưu giữa các anh chị sinh viên và học sinh trung tâm.
- Trong đó có sự đan xen 2 tiết mục văn nghệ của học sinh trung tâm và nhiều tiết mục khác của anh chị sinh viên. (Sinh viên chủ động chương trình, 20h 15 – 21h15’).
8. Kết thúc chương trình:
Trung tâm gửi lời cảm ơn đến 2 đơn vị phối hợp tổ chức.





BÀI TIỂU LUẬN




Tác giả bài viết
          Anh Quốc từ lâu được biết đến là một nước công nghiệp phát triển, là nước có quan hệ tư bản và phong trào công nhân sớm nhất châu Âu. Với bề dày lịch sử như vậy, đất nước này đã tạo nền tảng cho sự phát triển của một nền văn học Anh bởi những tài năng văn chương, những thiên tài văn học được đánh giá cao vào bậc nhất thế giới, với những tác phẩm văn học để lại những dấu ấn văn chương cho nhân loại. Điển hình cho những thiên tài trên mảnh đất văn học Anh màu mỡ ấy là những tác giả nổi tiếng như: William Thackeray, Charlotte Bronte, Charles Dickens, Jerome K. Jerome, Christopher Isherwood...
Người cô độc của Christopher Isherwood đã gây ra một cơn chấn động ở Mỹ. Qua thời gian, cuốn sách vẫn luôn được coi là tác phẩm tiêu biểu về cộng đồng người đồng tính, và được nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng Anthony Burges xếp vào danh sách 99 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất kể từ năm 1939. Một cuốn tiểu thuyết ngắn và thời gian chỉ gói gọn trong 24 giờ, nhưng đó là một ngày thật đặc biệt của nhân vật chính - George - trong quãng đời khó khăn mà ông đang thích ứng sau cái chết của Jim, người đã chung sống với ông suốt 16 năm. Không cần đến cốt truyện hay tình tiết gay cấn, những điểm nhấn rất tinh tế trong hành trình 24 giờ trong cuộc đời George vẫn đặc biệt cuốn hút, liên tục đòi hỏi người đọc phải tập trung để tìm được cái mã ẩn bên trong, nó kéo dài mỗi giây phút thành vô tận để phát lộ một con người, một tâm hồn đặc biệt và duy nhất.
Như vậy, tìm hiểu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood sẽ giúp chúng ta giải mã sự thành công của tác phẩm từ phương diện nghệ thuật trần thuật. Khám phá nghệ thuật kể chuyện độc đáo, khẳng định nỗ lực cách tân, đổi mới của tác giả. Làm rõ phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn cũng như đóng góp của tác giả cho văn chương và xã hội. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào sự khẳng định đặc điểm nghệ thuật cũng như sự thu hút của tác phẩm Người cô độc của Christopher Isherwood. Hơn nữa, cuộc đời của tác giả và tác phẩm cũng như thôi thúc người nghiên cứu đến với đề tài nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood.
Christopher Isherwood là một nhà văn nổi tiếng người Anh, các phẩm của ông được độc giả đón đọc. Không chỉ trong nước mà trên nhiều quốc gia khác, ông là một trường hợp khá đặc biệt trong văn chương Anh. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khi đang học tại Cambrige. Về sau, ông chuyển đến sống ở Berlin, vừa dạy tiếng Anh vừa sáng tác. Có nhiều nhận xét cho rằng, khi ông rời bỏ nước Anh, ông cũng đồng thời rời bỏ lối viết văn truyền thống, ông sáng tác với sự quan sát tinh tế, giọng văn phi thường và triết lý sâu sắc.
Người cô độc ra đời năm 1964 đã thực sự gây được một tiếng vang lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam có rất ít công trình nghiên cứu về tác giả Christopher Isherwood cũng như các tác phẩm của ông. Chỉ có một vài nhận định trong lời giới thiệu sách của Youth Book: Chúng ta sẽ bắt gặp những triết lý sâu sắc về lẽ sống và sự tồn tại, sự mâu thuẫn giữa những chiếc “mặt nạ”, những vai diễn mà George đang phải đeo chồng lên bản ngã con người thực sự của mình, ông phải đè nén ham muốn bộc lộ cái tôi dưới lớp mặt nạ để những con người ngoài kia “nhìn nhận về ông như những gì ông đã gầy dựng”. Lúc ông được tự do, được giải phóng khỏi sự giam cầm sự sống, cũng là lúc nó đến với ông – một cái chết nhẹ nhàng, êm ái.
Người cô độc sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm quý giá về tâm tư, nguyện vọng cũng như cuộc sống của một “thiểu số” mà hiện nay không hẳn còn xa lạ với bạn, hoặc góc nhìn khác hay giống của một số phận như bạn.
Đề tài chúng tôi nghiên cứu thực sự là một đề tài mới, chưa có một công trình nghiên cứu hoàn thiện và đầy đủ về nó. Theo tôi, đề tài nghiên cứu về nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood có đầy đủ tính cần thiết và tính thời sự, góp phần nhỏ trong việc khẳng định tên tuổi tài năng của tác giả và giá trị của tác phẩm.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tiến hành khảo sát cách lựa chọn người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ trần thuật, không gian và thời gian trần thuật của tác giả.
Bài Tiểu luận sử dụng phương pháp hệ thống trong quá trình nghiên cứ để tạo sự logic chặt chẽ khoa học.
Phương pháp so sánh giúp bài Tiểu luận làm sáng rõ những nét đặc trưng, độc đáo của nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm Người cô độc.
Để thực hiện đề tài này cùng với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu trên, tôi còn sử dụng phương pháp phân tích tác phẩm, nhân vật, tình tiết cụ thể. Từ đó khái quát, tổng hợp những đặc điểm nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và phục lục, bài Tiểu luận của chúng tôi sẽ trình bày trong 3 chương:
Chương 1: Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc
Chương 2: Nghệ thuật tổ chức thời gian và kết cấu trần thuật trong tiểu thuyết Người cô độc
 Chương 3: Nghệ thuật kiến tạo diễn ngôn trong tiểu thuyết Người cô độc

B. NỘI DUNG
Đối với tác phẩm tự sự, người kể chuyện là một nhân tố vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức cấu trúc trần thuật của tác phẩm. Cùng một câu chuyện, nếu được kể bởi những hình tượng người kể chuyện khác nhau, rất có thể hiệu quả nghệ thuật mang lại sẽ khác nhau. Cách thức trần thuật của người kể không đơn thuần là cách kể sao cho câu chuyện trở nên đậm đà, ý vị, đó còn là cách để nhà văn lý giải sự vật hiện tượng một cách sâu sắc, hiệu quả và thuyết phục. Diện mạo và phong cách trần thuật của người kể chuyện được tạo nên từ sự kết hợp của các yếu tố như ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ kể chuyện và giọng điệu trần thuật. Chính vì vậy, khi khảo sát một số hình tượng người kể chuyện, chúng ta phải đi vào phân tích từng yếu tố này để rút ra một cách nhìn nhận xác đáng và trọn vẹn về hình tượng.
Theo Gerard Genette, người kể chuyện dị sự là người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Câu chuyện được kể lại bởi một người không phải là nhân vật trong truyện, người kể chuyện nằm ngoài những biến cố, sự kiện của câu chuyện mà nó kể lại. Người ta gọi người kể chuyện này là người kể chuyện hàm ẩn, người kể chuyện giấu mặt, người kể chuyện không công khai. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba này thường trần thuật khách quan, cho nên nó có khả năng khái quát những vấn đề hiện thực của cuộc sống.
Với hình thức người kể chuyện thứ ba, người kể chuyện thường đứng bên ngoài để quan sát và kể lại câu chuyện, vì thế điểm nhìn trước hết được xác định là điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn của người kể chuyện – tác giả hàm ẩn. Trong tiểu thuyết Người cô độc của Christopher Isherwood thì người kể chuyện ở ngôi thứ ba, không có mặt trực tiếp trong tác phẩm, đứng ngoài để kể lại cuộc đời của George, đây là người kể chuyện hàm ẩn, dựa vào nhân vật để kể. Tác giả chỉ kể những gì mà mình biết “Hắn cứ nhìn vào, cứ đăm đăm vào chính hắn trong chiếc gương kia” [tr.15]. Tác giả chỉ men theo các việc làm của chính nhân vật “Chậm rãi, hắn rửa mặt, cạo râu và chải tóc, để hắn có thể tiếp nhận những trách nhiệm của chính hắn với những con người ngoài kia” chứ ngoài ra tác giả không biết gì ngoài việc đó. Đây chính là hình thức người trần thuật ở ngôi kể thứ ba “hạn tri”.  
Bằng ngôi kể thứ ba, người kể chuyện là người môi giới, gởi mở giúp người đọc tiếp cận với nhân vật, hiểu được những động cơ thầm kín trong những hành động của nhân vật, rút ngắn khoảng cách giữa nhân vật với mình. Thông qua tác phẩm, Christopher Isherwood đã cho độc giả thấy được những sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của George, một con người cô độc, một người đang trải qua những ngày tháng khó khăn sau cái chết của bạn đời.
Trong tác phẩm, ở một số đoạn người kể chuyện xuất hiện trực tiếp trên văn bản để đối thoại với người độc giả. Người kể chuyện xuất hiện để đối thoại với người nghe. Tác giả như nhập vào chính nhân vật để trò chuyện với đọc giả. Người kể chuyện như nhập vào suy nghĩ của nhân vật, đi theo những suy nghĩ của nhân vật và hành động theo nhân vật.
Trong trần thuật ngôi thứ nhất, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất chỉ cả người kể chuyện (cái “tôi” kể chuyện hoặc người tự kể chuyện) và một nhân vật trong câu chuyện (cái “tôi” trải nghiệm). Nếu người kể chuyện là một nhân vật chính của câu chuyện thì cô anh/cô ta là một cái “tôi” – vai chính; nếu anh/cô ta là nhân vật phụ thì anh/cô ta là cái “tôi” – chứng nhân. Liên quan đến điểm nhìn, một trần thuật ngôi thứ nhất có thể được kể từ nhận thức về cái tôi kể chuyện (quan điểm diễn ngôn điển hình: Tôi chưa từng biết khi đó tôi biết gì) hoặc từ cấp độ giản đơn và giới hạn trong sự hiểu biết của cái tôi trải nghiệm (thực hiện chức năng như là một người quan sát bên trong). Về mặt nhận thức luận, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất bị giới hạn bởi những giới hạn của con người: họ không thể ở hai nơi cùng một lúc, không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, họ (trong hoàn cảnh bình thường) không thể kể lại câu chuyện về chính cái chết của chính mình và họ có thể không bao giờ biết chắc chắn những nhân vật khác nghĩ hoặc tưởng tượng những gì (vấn đề “ý nghĩ của người khác”.
Trong tự truyện, do đặc trưng của thể  loại (tác giả ngược dòng thời gian kể lại đời mình), hiện thực và quá khứ được tái dựng nhờ ký ức. Tác giả tự truyện thường tập trung vào quá trình hình thành và lịch sử thế giới nội tâm của mình trong sự tương tác với thể giới bên ngoài.
Một trong những thách thức đối với nhà văn khi thiết tạo tác phẩm là lựa chọn cho mình điểm nhìn thích hợp để kể câu chuyện. Bởi vì, điểm nhìn trần thuật được coi là nhân tố bộc lộ kỹ thuật tiểu thuyết của nhà văn và chi phối đến các thành tố khác của nghệ thuật trần thuật như: Người kể chuyện, nhịp điệu kể, giọng điệu và ngôn ngữ…
Cho đến nay, vấn đề điểm nhìn được các nhà tự sự học đặc biệt quan tâm, nhưng những quan điểm của họ thật sự chưa thống nhất. Điểm nhìn hay còn gọi là tụ điểm là thuật ngữ được G. Genette đưa ra để trả lời cho câu hỏi: “Ai là nhân vật có quan điểm hướng tới điểm nhìn tự sự?” và “Ai là người kể?”. Từ quan điểm của mình, G.Genette phân chia ra ba kiểu điểm nhìn (phối cảnh trần thuật) như sau: thứ nhất, điểm nhìn với tiêu cự bằng không (người trần thuật đứng ngoài biết tuốt mọi việc, có vai trò toàn năng như thượng đế); thứ hai, điểm nhìn với tiêu cự bên trong (người trần thuật là chính nhân vật bên trong câu chuyện); thứ ba, điểm nhìn với tiêu cự bên ngoài (người trần thuật đứng ngoài câu chuyện) [48]
Theo Iu. Lotman “hiếm có yếu tố nào lại liên quan trực tiếp đến việc xây dựng lại bức tranh thế giới như điểm nhìn nghệ thuật” và như vậy, “cái nhìn” sẽ trở thành yếu tố nhận thấy được cấu trúc nghệ thuật khi xuất hiện khả năng thay đổi của nó trong phạm vi trần thuật” [12,tr.451]. Ông cũng đã cho rằng: “điểm nhìn liên quan đến vị thế của người sáng tạo văn bản, vấn đề tính chân thực, vấn đề cá tính”.
Trần Đình Sử - nhà nghiên cứu đầu ngành trong nghiên cứu tự sự học ở Việt Nam, trong Dẫn luận thi pháp học chỉ ra rằng: điểm nhìn “không chỉ là điểm nhìn thuần túy quang học như khái niệm tiêu cự, tụ tiêu mà còn mang nội dung quan điểm, lập trưởng tư tưởng, tâm lý con người” [7,182]. Từ đó, ông phân chia điểm nhìn thành các kiểu sau: điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong, điểm nhìn di động; điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian…
Từ điển thuật ngữ văn học có đoạn: Điểm nhìn nghệ thuật là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm…Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn” [5,tr.113]. Như vậy, điểm nhìn đóng vai trò vô cùng quan trọng, sẽ không có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật.
Hiểu một cách đơn giản nhất, điểm nhìn trần thuật đó là vị trí quan sát (nhìn) và kể lại câu chuyện. Như vậy, điểm nhìn luôn gắn với người kể chuyện, chi phối và tạo dựng cách kể chuyện trong tác phẩm, nhờ đó mà độc giả dễ dàng nhận dạng được vị trí, bản chất, tính cách, quan điểm của nhân vật, người kể chuyện hay tác giả hàm ẩn trong truyện kể. Tuy nhiên, trong văn bản, điểm nhìn đôi khi không nhất thiết cần rạch ròi mà có thể sử dụng nhiều điểm nhìn cận kề tùy theo khả năng và mục đích của người sáng tạo.
Isherwood đã khai thác rất thành công những góc khuất, những bản thể, những khát vọng cũng như nhu cầu của con người trước cuộc sống. Bằng sự tìm tòi, thể nghiệm những hình thức biểu đạt mới, đặc biệt thông qua những điểm nhìn khác nhau, tiểu thuyết của ông đem đến cho người đọc cách nhìn mới.
Những vấn đề trên sẽ là cơ sở giúp người viết xác lập nên điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Isherwood. Và trong phần triển khai dưới đây, chúng tôi sẽ chủ yếu vận dụng quan điểm của Genette như đã trình bày ở trên, để làm có sở lý thuyết nhằm khám phá điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Isherwood.
Điểm nhìn ở ngôi kể thứ ba luôn tạo ra một khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật. Vì vậy, ở điểm nhìn này người trần thuật sẽ có cái nhìn khách quan, tỉnh táo để thuật lại, tả lại các nhân vật và sự kiện. Từ đó làm nổi bật những khái cạnh khác nhau của bức tranh xã hội phong phú và đa dạng. Ở điểm nhìn này, người kể chuyện ở ngôi thứ ba bằng sự điềm nhiên của lối kể, người trần thuật xuyên tách mình ra khỏi nhân vật và chỉ hướng sự chú ý của người nghe về kết quả thuần túy. Sử dụng điểm nhìn này, người kể chuyện đứng ở thời hiện tại đưa đến một hình ảnh thực về cuộc sống và con người. Dù chưa đạt tới độ “khách quan lạ lùng” như T.Sêkhốp “đứng trên tất cả mọi sự phiền muộn, hân hoan để thấu triệt mọi công việc”, nhưng ống kính của nhà văn cũng đã xoáy sâu vào các hiện tượng xã hội để mổ xẻ, phân tích đến từng ngóc ngách sâu kín nhất.
Với điểm nhìn ở ngôi kể thứ ba, người kể chuyện kể lại cuộc đời của Goerge trong khoảng thời gian là 24h. Người thuật lạ những việc mà nhân vật làm từ lúc thức dậy cho đến khi một ngày kết thúc.  Tác giả luôn men theo điểm nhìn của nhân vật để kể. Vì vậy tác giả chỉ kể những điều nhân vật biết, nhân vật cảm nhận. Ngoài những điều ấy ra, tác giả không biết gì hơn nhân vật.
Tác giả kể lại việc George thức dậy như thế nào với các thân thể nặng trên bẩy mươi kí lô, cái căn bệnh viêm khớp nơi các ngón tay khiến ông đau rời rã. Ông bước tới gương để soi lại chính bản thân mình sau một đêm dài nằm choài trên chiếc giường. Tiếp đến miêu tả việc ông cạo râu, mặc áo quần vào, chuẩn bị ăn sáng như thế nào….cho đến khi George đến giảng đường để dạy học, ở đây việc dạy học của ông, cách ông đối xử với các sinh viên. Sau buổi lên lớp ông đã gặp gỡ ai, trò chuyện với người nào và cuối cùng là kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi. Và cuối cùng miêu tả George năm trên giường với vẻ mệt mỏi sau một ngày lao động. Một vòng quay của một ngày đã kết thúc, kết thúc khiến cho George cảm thấy mình bị kệt sức đã khiến cho ông ta cảm thấy mình không thể bước tiếp cuộc đời nữa. Ở điểm nhìn này, tác giả chỉ biết, kể lại cho độc giả những gì mà nhân vật đã làm chứ chẳng biết gì ngoài các việc đó.
Thông qua điểm nhìn này tác giả muốn nêu lên sự bế tắc, bi kịch của một con người. George đã cảm thấy cô độc sau cái chết của Jim, bạn đời của ông. Những người hàng xóm, các người mà ông gặp gỡ đã khiến ông cảm thấy bực tức. Họ khiến ông cảm thấy mệt mỏi, không muốn tiếp xúc với họ lâu và chỉ muốn ở một mình trong căn phòng (căn phòng riêng của ông tại giảng đường). Người kể chuyện ở ngôi thứ ba chỉ đóng vai trò kể lại câu chuyện của George, tác giả đã bộc lộ cái nhìn khách quan về cách xử thế của nhân vật trước biến cố của cuộc sống. Chọn một khoảnh khắc rất ngắn với hang loạt hành động xảy ra, nhưng từ đầu đến cuối, người trần thuật không hề bày tỏ thái độ, quan điểm nhận xét của mình mà để cho nhân vật tự bộc lộ. Qua các nhân vật tiếp xúc, trò chuyện hay là những học trò của George…ta nhận thấy ở họ có cái nhìn khác nhau về George, có người ưa thích, có kẻ sợ sệt, có kẻ châm chọc…về con người bận rộn nhưng lại cô độc này.
Điểm nhìn nội quan xuất hiện khi người kể chuyện thâm nhập vào đời sống nội tâm nhân vật, phân tích, mổ xẻ hoặc để nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba giấu mặt đều có thể thực hiện được điểm nhìn bên trong. Nếu điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện đứng ngoài câu chuyện để quan sát mà không bình luận hay bày tỏ quan điểm trực tiếp, mặc dù đằng sau cái “bên ngoài” đó là tâm lý, là tính cách nhân vật, thì điểm nhìn bên trong cho phép trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng nhân  vật cụ thể, cả nhân vật và người kể chuyện đều có thể xướng ngôn và bày tỏ thái độ, tình cảm của mình một cách trực tiếp. Do đó, đặt điểm nhìn vào bên trong là cách khai thác tốt nhất để nhân vật tự nói lên bằng tiếng nói, bằng âm sắc của chính mình thông qua những độc thoại nội tâm, những ẩn ức giằng xé, những giấc mơ ám ảnh…
 Điểm nhìn bên trong ở tiểu thuyết Người cô độc gắn vời người kể chuyện “hàm ẩn” gần như bao quát toàn bộ tác phẩm nhưng thông qua lăng kính của nhân vật.
Sự phối hợp và di động điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong hay từ người trần thuật sang nhân vật là một cách để “khách quan hóa” và “đa dạng hóa” về cách nhìn nhận, đánh giá đúng hiện tượng, giúp nhà văn có điều kiện “trổ nhiều ô cửa” (chữ dung của Mai Hải Oanh) để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Sự di chuyển điểm nhìn liên tục trong Người cô độc cũng là cách thức để tạo nên tính phức điệu trong tiểu thuyết vốn là một đặc điểm cách tân của văn xuôi hiện đại. Theo đó, tác phẩm trở thành một cấu trúc đa tầng có khả năng phá vỡ tính đơn âm và cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau. Việc xây dựng hình tượng trần thuật và sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật đã khắc họa chân thực, sinh động đời sống tâm lý của nhân vật.
Lý thuyết tự sự trước nay ghi nhận hai hình thức trần thuật cơ bản: trần thuật ở ngôi thứ ba (khách quan hoá) và trần thuật ở ngôi thứ nhất (chủ quan hoá). Cách phân biệt này mới chỉ dừng ở hình thức bề ngoài chứ chưa đi sâu vào phương thức tự sự bên trong. Điều này cũng chứng tỏ người ta chưa xem người kể đứng gần hay xa các sự kiện, nhân vật trong truyện một cách cụ thể. Vấn đề bi kịch hoá trần thuật, cụ thể hơn là bi kịch hoá nhân vật người kể chuyện để tìm hiểu sâu hơn một bước cụ thể hoá hình thức trần thuật ở ngôi thứ ba. Theo chúng tôi khi người kể được nhân vật hoá sẽ thoả mãn hai chức năng: chức năng miêu tả hoàn cảnh, không gian, thời gian, các biến cố sự kiện và chức năng phát hiện ra thế giới bên trong của nhân vật người kể chuyện. Người kể không chỉ kể mà còn đóng vai là một nhân vật, do vậy tất yếu phải biểu hiện những quan niệm, suy nghĩ, tình cảm với ngôn ngữ, giọng điệu của một con người cụ thể. Vì thế câu chuyện không chỉ lôi cuốn sự chú ý của người đọc theo dòng các sự kiện mà còn lôi cuốn người đọc vào cả lời kể, cách kể. Nhờ thế đã tạo ra hai hiệu quả: tạo ra ảo giác ở độc giả về tính khách quan của nội dung câu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể chuyện. 
Chúng ta đều cho rằng để tạo ra được một truyện hay người viết phải sáng tạo ra được một tình huống hấp dẫn. Ở truyện này tác giả đã tạo ra một tình huống bi kịch. Bi kịch của George, một người có người bạn đời chết "bất đắc kỳ tử" vì tai nạn giao thông. Không chịu nổi nỗi đau, nỗi cô đơn, ông đã sống trong những ngày tiếp theo với một con người khác hẳn. Xét dưới góc độ cấu trúc thể loại, tình huống này tăng cường tính bi kịch cho câu chuyện, lôi cuốn sự chú ý dõi theo những sự kiện, chuỗi ngày sống tiếp theo của George. Ông ta sống nhưng như một người đã chết, hay nói đúng hơn là tù nhân của sự sống. George đã nỗ lực để vượt qua những ám ảnh của bóng ma Jim – người bạn đời cùng ông gắn bó suốt 16 năm. Ông ta cảm thấy rất cô độc, từ khi thức dậy, tự nấu ăn một mình, phải một mình cô đơn, lẻ loi trong căn phòng và một mình lái chiếc xe đến nơi làm việc. Ông đã gặp gỡ nhiều người nhưng những người ông gặp không làm cho ông thể vui lên được, thậm chí làm cho ông phải cau có, hay điên tiết lên. Cuối cùng kết thúc một ngày làm việc vất vã, George lại một thân một mình trở về trong căn phòng vắng lặng với thân thể mỏi nhừ, không có lấy một chút sức sống. Ông ta cảm thấy mệt mỏi và chán chường. Ông ta vội cho cái thân thể nặng nhọc xuống chiếc giường, màn đêm bao phủ lấy ông, sự ẩm ướt của thời tiết của khí trời khiến cho căn phòng thêm ngột ngạt. George đã cô độc, ông ta sống như thể trong một cõi không có bóng người. Chính điều đó càng tăng thêm nỗi cô quạnh và đơn côi của một con người.  
Sau cái chết của Jim, ông đã thay đổi, cuộc sống đã trở nên bề bộn, mọi thứ đều tồi tệ hơn. Căn phòng không quét dọn, không lau chùi. George đã đánh mất chính bản thân mình. Có những lúc ông ta đã có những suy nghĩ hết sức táo tợn hay thậm chí khác thường. Ông ta đã nghĩ ra cách để phá hoại hệ thống nhà của.
Con người không ai sống mãi trên đời, trời đất thì vô hạn còn nhân sinh thì hữu hạn. Chính điều này đã thể hiện trong phần đầu của tác phẩm khi tác giả giới thiệu về George, về người bạn đời của ông đã chết. Cái chết của con người chấm dứt sự có mặt của họ, sự ra đi để lại bao tiếc thương, làm đổi thay cuộc sống của những người thân. George cũng tương tự như thế, ông đã phải sống côi cút một mình, phải tự làm lấy mọi việc,…ông ta cảm thấy bất lực trước cuộc sống. Cái chết của người bạn đời đã khiến cho suy nghĩ, hành động của ông đều thay đổi và đã dẫn đến bi kịch. Đã có lúc ông đưa ra một giả sử về sự sống lại, hay trở về của Jim để chúng kiến cuộc sống hiện tại của ông, nhưng đó là một sự mộng tưởng.
George đã từng bàn vấn đề cái chết với cậu học sinh Kenny.
“ “Cái chết.”
“Chết?”
“Đúng vậy.”
“Giáo sư nói rõ hơn đi ạ. Em không hiểu ý của giáo sư.”
“Cái chết. Cậu có thường nghĩ đến cái chết?”
“Không. Hầu như không một lần. Tại sao ạ?”
“Tương lai, đó là cái chết đang chờ đợi.”
“Ồ, phải rồi. Có thể giáo sư nói đúng.” [tr.197]
Có lẽ sau sự ra đi của Jim đã khiến cho George cảm thấy bị ám ảnh bởi sự chết, sự chết sẽ đến với tất cả mọi người. Sự chết là việc diễn ra tất yếu ở tương lai. Cái chết sẽ không trừ một ai. Cuộc sống có vô số khó khăn, thử thách mà mỗi một con người phải vượt qua. Có rất nhiều điều mà chúng ta không khi nào ngờ tới, nhưng nó lại xảy đến và khiến chúng ta ngã gục. Một sự chia li đều có nước mắt, nhưng sự ra đi vĩnh viễn là lúc không chỉ nước mắt, lòng tiếc thương mà còn cả tâm hồn chết lặng theo.
Câu chuyện được người kể chuyện ngôi thứ ba kể lại một cách chân thực. Đó là câu chuyện về số phận của một con người phải trải qua một ngày sống với bao điều vất vả, khổ cực và đơn độc. Đó là câu chuyện thấm đẫm tinh thần nhân văn, sự xót xa, thương cảm cho một số phân bất hạnh. Trong cuộc sống có bao con người như thế. Người kể chuyện đã kết hợp với điểm nhìn trần thuật đã mang lại cho câu chuyện rất thật, dường như nó hiện hữu xung quanh ta rất nhiều. Nó làm nên sự đồng cảm, sự gần gũi giữa hai thế giới thực tại và văn học. Đó chính là vấn đề mà văn học cần đạt được khi kéo con người trong văn học cũng chính là con người trong cuộc sống đời thường này với những suy tư trăn trở bình thường nhất. 


Trong triết học người ta xem thời gian là phương thức tồn tại của vật chất. Đó là hình thức tồn tại có tính liên tục, độ dài, hướng, nhịp độ, có ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai và có tính chất không thể đảo ngược. Không một vật chất nào có thể tồn tại ngoài thời gian. Mọi dạng tồn tại của vật chất đều có thời gian riêng của mình. Nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc thù, nó cũng có thời gian riêng. Tác phẩm cũng tồn tại trong thời gian vật chất, không có thời gian vật chất, tác phẩm không thể tồn tại được. Nhưng thời gian khách quan đó chưa phải là thời gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều dài thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới. Có thời gian nghệ thuật không tách rời với chuỗi biến cố cốt truyện như cổ tích, có thời gian nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức như tiểu thuyết, có tác phẩm dừng lại chủ yếu trong quá khứ, khép kín trong tương lai, có thời gian nghệ thuật “trôi” trong các diễn biến sinh hoạt, có thời gian nghệ thuật gắn bó với các vận động của thời đại lịch sử, lại có thời gian nghệ thuật có tính “vĩnh viễn” đứng ngoài thời gian như thần thoại” [5,tr.322]
Dưới quan điểm của Gerard Genette đã định nghĩa thời gian như sau: Thời gian nghệ thuật là một chuỗi thời gian kép, có thời gian của cái được kể lại và thời gian của truyện kể, tức là thời gian của cái được biểu đạt và thời gian của cái biểu đạt. Như vậy, thời gian được cấu thành hai lớp: Lớp thời gian trần thuật và lớp thời gian được trần thuật. Lớp thời gian trần thuật, chính là thời gian truyện kể, còn lớp thời gian được trần thuật, chính là thời gian cốt truyện của câu chuyện.
Người ta nói văn học là nghệ thuật thời gian bởi vì văn học diễn đạt các sự vật, hiện tượng theo tuần tự thời gian của lời nói liên tục, từ câu đầu cho đến câu cuối cùng không đảo ngược. Thời gian tuyến tính là thời gian vận động theo dòng vận động tuyến tính, một chiều. Thời gian tuyến tính gắn với thời gian khách quan, thời gian diễn ra trật tự các sự kiện được trần thuật, sự kiện diễn ra sau thì trần thuật sau. Trong Người cô độc, thời gian chủ yếu là lớp thời gian tuyến tính, các sự kiện nối đuôi nhau diễn ra, sự kiện này đến sự kiện khác. Câu chuyện miêu tả lại những sinh hoạt trong một ngày của George, từ lúc thức dậy, sinh hoạt cá nhân, lái xe trên đường phố, đến giảng đường rồi gặp gỡ những người bạn và cuối cùng là đi ngủ tối. Chính vì xuyên suốt 24 giờ, với lối miêu tả chi tiết các việc làm của George, nên người đọc cảm thấy như  khoảng thời gian có vẻ kéo dài. Thời gian tái hiện kéo dài, trong đó có nhiều sự kiện được đề cập tới.  Chính vì vậy, không gian trong từng thời điểm khác nhau  cũng có những điểm khác biệt.
          Câu chuyện bắt đầu bằng việc thứ dậy của George và hoạt động đầu tiên là “NGỒI DẬY”. Tiếp theo là trần truồng lê bước vào nhà tắm, với cái bàng quang trống rỗng trong thân thể nặng trên bẩy mươi ký lô, bất chấp những nỗ lực như hành xác trong phòng tập thể dục của hắn. Hắn đi tới trước gương [tr.14]. Ông ta tự chuẩn bị cho mình một dĩa đồ ăn sáng gồm trứng trần, thịt lợn muối xông khói với bánh nướng và cà phê. Ông ngồi xuống một góc trên chiếc bàn và bắt đầu nhai. Những hành động như thế của George một thân một mình. Từ sau cái chết của Jim, cuộc sống của ông ta như không có ý nghĩa nữa, mọi việc làm như chỉ để duy trì sự sống. Những lúc như thế ông lại nghĩ về thời gian trước kia, nghĩ về Jim, người bạn đời đã cùng chung sống với George 16 năm. George đã ước muốn rằng thời gian có thể quay trở lại để được gặp Jim, “Cứ giả sử rằng kẻ chết có thể quay về thăm người còn sống. Rằng một vật thể hữu hình hay vô hình nào đó được gọi là Jim quay về để biết George đang sống tiếp ra sao ? Liệu nó thậm chí có đáng không ? [tr.20]. Buổi sáng vẫn cứ tiếp diễn khi George đang chạy xe trên đường cao tốc ở Los Angeles. George rất tự hào về hệ thống đường cao tốc ở đây. George yêu những xa lộ cao tốc vì ông vẫn còn có thế đương đầu với nó; và vì ông vẫn còn có thể đương đầu với nó chứng tỏ ông còn là một thành viên của xã hội. Ông vẫn còn có thể sống. George đã đến với khuôn viên trường Cao đẳng Bang San Tomas, sau đó ông tới giảng đường. Khoảng thời gian ngột ngạt và nhiều suy nghĩ nhất trong đời của George là lúc Jim ra đi. Ông ta đã đưa ra những giả thiết về người chết có thể sống lại, Jim có thể trở về để thấy cuộc sống hiện tại của George.  George cảm thấy một ngày trôi qua thật mệt mỏi và chẳng có ý nghĩa gì, cuộc sống quá vô vị. Nhưng là hoàn toàn là sự thật mà George phải chấp nhận. Ông ta đã phải tự lo liệu lấy cuộc sống và điều ấy đã làm ông cảm thấy chán nản. 
Tuy tác giả chỉ kể lại câu chuyện trong vòng 24 giờ, nhưng đây cũng là thời gian của một đời người. Sự lặp đi lặp lại của các công việc của nhân vật George từ ngày này qua ngày khác và cuối cùng là cái chết trên giường. Một cái chết kết thúc một cuộc đời đã sống, tồn tại nhưng không nhận được chút hạnh phúc nào để ông ta có thể kéo dài cuộc sống lâu hơn nũa.  Thời gian trong tác phẩm được sắp xếp một cách khá đơn giản theo trục một chiều. Nó đi xuyên suốt theo chuỗi ngày sống của George, chính vì thế nó tạo tính liên kết, giúp người đọc có thể theo dõi câu chuyện một cách dễ dàng và xâu chuỗi câu chuyện một cách chính xác. Có thể nhận thấy thời gian tuyến tính được vận dụng một cách rất linh hoạt. Bằng việc lựa chọn ngôi kể thứ ba kể về câu chuyện của nhân vật có tên là George đã làm cho câu chuyện hấp dẫn. Thời gian từ đó cũng không bị bó hẹp do sự di chuyển của nhân vật cũng như sức tác động của thời gian. Thời gian kết  cấu theo kiểu truyền thống này đã giúp người đọc ít bị phân tâm theo một hướng khác trong lúc tiếp cận tác phẩm.
Tác phẩm được kể theo một trục thời gian tuyến tính vì đi theo sinh hoạt đời thường của một con người. Nó giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quát nhất về tác phẩm. Người cô độc là câu chuyện với nhiều sự kiện liên tục từ sáng sớm tới lúc đêm khuya, vì thế việc sắp xếp thời gian tuyến tính tỏ ra hợp lý trong việc thể hiện hiện thực cuộc sống cũng như cuộc đời của nhân vật. Tuy nhiên, nếu chỉ thấy được thời gian hiện thực với trục tuyến tính thì sẽ là thiếu sót đối với Người cô độc của Christopher Isherwood.
Trong tính toàn cục của tác phẩm thì mảng thời gian hiện thực đóng vai trò chủ đạo với sự tổ chức tuyến tính nhưng đồng thời tác giả đã sử dụng kết hợp với việc đồng hiện, hồi cố, dự cảm về tương lai gần và đảo một số yếu tố thời gian mang tính cục bộ trong tác phẩm. Có thể nhìn thấy trong tác phẩm là sự đan xen, xáo trộn, đồng hiện các lớp thời gian. Đó là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Tác giả đã kể là cảnh quá khứ khi George và người bạn đời Jim còn sống. Căn phòng mà họ ở khá nhỏ, nó chỉ cao 1m73, đây là nơi mà hai người đã cùng chung sống ngày qua ngày, tháng đoạn tháng và năm tiếp năm. “Một khoảng không gian nhỏ hẹp, khuỷu tay chạm khuỷu tay khi đứng nấu nướng bên bếp lò, ép vào nhau trong bậc thang chật chội, cùng đứng cạo râu trước tấm gương nhỏ của phòng tắm, không ngừng đụng chạm, huých đẩy vào thân thể của nhau vô tình hay hữu ý…”[tr.17]. 
Không gian theo quan niệm của triết học, là phương thức tồn tại của vật chất. Không có vật thể nào, kể cả con người trong vũ trụ tồn tại ngoài không gian. Điều này có nghĩa là không thể tìm hiểu con người trong sự tách rời không gian mà nó tồn tại. Với ý nghĩa là một hình thức cho các hiện tượng vật chất tồn tại, không gian mang tính khách quan. Nó có những đặc tính riêng không phụ thuộc và biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người. Không gian luôn là một trong những đối tượng mà con người khao khát chiếm lĩnh. Song, sự rộng lớn đến vô cùng vô tận của nó nhiều khi nằm ngoài tầm tay của con người. Trong tác phẩm tự sự, nhà văn sử dụng không gian như một phương tiện thẩm mĩ để thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Không gian trần thuật là không gian được nhà văn lựa chọn sử dụng nhằm những ý nghĩa, thông điệp nào đó góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm. Theo cuốn Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về lượng không gian nên mang tính chủ quan, ngoài không gian vật thể còn có không gian tâm tưởng” [5,tr.109]. Không gian trần thuật mang đậm tính chủ quan của người trần thuật, nó có tính độc lập với không gian vật lý. Do không gian của người trần thuật mang tính chủ quan, thể hiện cái nhìn của người trần thuật và dụng ý của tác giả nên trong không gian trần thuật, ngoài không gian vật chất còn có không gian tâm tưởng. Ở góc độ thi pháp học, không gian trần thuật được đánh giá là một phương tiện quan trọng. Nó là mô hình không gian của thế giới nghệ thuật. Sự đối lập hay qua lại giữa các yếu tố không gian, sự lặp lại của những kiểu không gian trong tác phẩm được đặt ra như một yêu cầu không thể thiếu của quá trình nghiên cứu trong tính chỉnh thể.
Cũng giống như không gian, thời gian nghệ thuật theo quan niệm của triết học là phương thức tồn tại của vật chất. Không có một vật chất nào tồn tại ngoài thời gian. Thời gian vật lý tồn tại khách quan và được đo bằng những con số, những lát cắt đều đặn: giờ, ngày, tháng, năm. Trong dòng thời gian khách quan ấy không có sự khác biệt giữa hôm qua và hôm nay, giữa ngày này với ngày khác. Nó chảy trôi đều đặn và theo đúng tuần tự ba chiều quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Sự miêu tả, trần thuật trong văn bản nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật” [5,tr.219]. Thời gian trong văn học có hai yếu tố chính, hai lớp thời gian cơ bản là thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. “Thời gian trần thuật là thời gian vận động tuyến tính một chiều của văn bản ngôn từ. Thời gian được trần thuật trong tác phẩm tự sự là một phương diện quan trọng. Nó thể hiện sức sáng tạo của nhà văn đồng thời bộc lộ rõ tính quan niệm của tác phẩm.  


Một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận...Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định…gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học. 
Kết cấu là yếu tố tất yếu của mọi tác phẩm. Nếu khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố...trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu là một khái niệm rộng hơn nhiều. Cần có sự phân biệt giữa kết cấu và bố cục. Bố cục là sự sắp xếp các phần, các chương, các đoạn, các khổ thơ...Ðây chỉ là sự tổ chức hình thức bên ngoài của tác phẩm. Nói cách khác bố cục mới chỉ là kết cấu bề mặt của tác phẩm. Thuật ngữ kết cấu rộng và phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn bao hàm sự liên kết bên trong, những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm, trong đó có cả yếu tố của bố cục.
Trước hết, kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong lao động sáng tạo văn học, có thể coi chủ đề tư tưởng là mục tiêu nhằm hướng tới của nhà văn trong quá trình phát hiện và xây dựng kết cấu. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá kết cấu một tác phẩm chính là hiệu quả diễn đạt nội dung của nó.
Trong tác phẩm Người cô độc, tác giả đã dành đã dành phần lớn tác phẩm để diễn tả hàng loạt sự việc diễn ra trong một ngày. Tác giả đã cố gắng dồn nén tất cả vào trong một thời gian thật ngắn nhằm có điều kiện thể hiện một cách tập trung nhất những khó khăn, những cố gắng của George sau cái chết của bạn đời.
Kết cấu có nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm xúc...làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên trong tác phẩm, làm cho nó trở thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn không thể chia cắt được. 
Trong đời sống văn học, đôi khi có người cho rằng một số tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt nhưng tác phẩm vẫn chưa được cảm nhận như một chỉnh thể nghệ thuật. Ðiều này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng một phần quan trọng là do kết cấu. Việc nhà văn sắp xếp các tình huống, sự kiện, mối liên hệ qua lại giữa các tính cách, sự tác động giữa bộ phận và toàn thể...không phải đơn giản. Gônsarôp cho rằng "Chỉ riêng một cách cấu tạo, tức là việc xây dựng tòa nhà cũng đã ngốn hết toàn bộ trí óc của tác giả: Phải suy nghĩ cân nhắc về sự tham gia của các nhân vật, kèm theo vào đó là phải luôn luôn kiểm tra và phê phán sự bất hợp lí của những chỗ thiếu, cả những chỗ thừa".  Như vậy, kết cấu của tác phẩm bao giờ cũng tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Phân tích kết cấu tác phẩm, người đọc có thể so sánh nó với các hình thức, thủ pháp kết cấu chung nhưng điều quan trọng là phải xuất phát từ bản thân tác phẩm và xem nó có thể hiện tốt nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm hay không. 
Ðây là dạng kết cấu phổ biến nhất trong văn học truyền thống. Theo kết cấu này, câu chuyện được trình bày theo thứ tự, phát triển trước sau của thời gian. Các sự kiện được sắp xếp, xâu chuỗi lại và lần lượt xuất hiện không bị đứt quãng. Hầu hết những tác phẩm chương hồi sử dụng lối kết cấu này.  Ở đây, tác phẩm được chia thành nhiều chương, hồi théo sự phân bố về mặt hành động và sự kiện của cốt truyện. Mỗi chương, mỗi hồi thường gắn liền với một giai đoạn nào đó của cốt truyện và nhiêu khi khá trọn ven, loại kết cấu này giúp người đọc dễ theo dõi câu chuyện nhưng nhiều khi lại đơn điệu. Trong Người cô độc, tác giả đã kể lại câu chuyện theo trình tự, cái gì xảy ra trước kể trước và xảy ra sau kể sau. Tác giả đã bắt đầu câu chuyện bằng việc thức dậy của Geogre sau một đêm dài mệt mỏi của một thân hình nặng trên bảy mươi lý lô. Tác giả đã không đảo lộn thời gian mà kể theo trình tự từ sáng, trưa và tối . Tác giả đã sử dụng lối kết cấu này để cho thấy sự lặp lại của những chuỗi ngày mà nhân vật George phải trải qua. Ngày nào cũng thế, ông ta thậm chí phải làm mọi việc một cách vội vã để đi đến công việc phải làm tiếp theo. Sự tuyến tính của thời gian đã giúp cho người đọc theo dõi được mọi diễn biến của câu chuyện, cũng như cách làm việc, dạy học,…của nhân vật như thế nào.
Ðây là hình thức kết cấu dựa theo qui luật phát triển tâm lí của nhân vật trong tác phẩm. Loại kết cấu này xuất hiện cùng với sự xuất hiện của các trào lưu văn học khẳng định vai trò của cá nhân trong xã hội. Kết cấu này thường dựa vào trạng thái tâm lí có ý nghĩa nào đó để sắp xếp các sự kiện, nhân vật, cốt truyện…để sáng tạo nên tác phẩm. Người cô độc được nhà văn khai thác theo hướng kết cấu tâm lý – dòng chảy ý thức của nhân vật George. Ý thức đầu tiên của nhân vật là mình vẫn đang còn sống.
“Tỉnh giấc bằng việc nhân thức tôi và hiện tại. Hắn mở mắt và cứ thế nằm yên đó, nhìn bang quơ lên trần nhà và vào trong chính hắn cho đến khi ý thức được tôi của mình. Rồi ý niệm về nơi chốn chậm rãi đến với hắn làm hắn yên lòng đôi chút; vì nơi chốn ấy, trong cái buổi sáng này, là nơi mà hắn gọi là NHÀ.
Nhưng hiện tại đơn thuần chỉ là hiện tại. Hiện tại còn là một gợi nhớ đau thương: là một ngày sau ngày trước đó, mặt năm sau năm trước đó. Mọi hiện tại đều được gắn mác với ngày của chính nó, kết nối quá khứ cổ xưa với hiện tại, cho đến khi – sớm hay muộn – mà có lẽ - không, không phải có lẽ, mà chắc chắn – giây phút đó sẽ đến.” [tr.13]
Qua dòng chảy ý thức chúng ta thấy được việc tồn tại của George là việc ông chẳng muốn, ông ta không ý thức được sự tồn tại của mình. Trong tác phẩm nhiều đoạn ông tự để cho dòng ý thức lấn át tâm trí ông, hay thậm chó nó mông lung, khiến cho ông cảm thấy đau đớn, bởi hiện tại đối với ông thật phũ phàng, nghiệt ngã. Hiện tại mà ông đang sống thật khác lạ so với quá khứ, với ông quá khứ như là một cái gì đó rất mới, mà ông ao ước, nhưng thật là vô nghĩa khi mà sống chỉ ước mơ về những gì đã qua và nó mãi mãi không bao giờ trở lại.


Lối kết cấu này được sử dụng nhằm làm nổi bật lên hình tượng nhân vật George. Tác giả đã cho độc giả thấy được sự đối lập giữa hoàn cảnh, cách xử sự của George so với các nhân vật khác. George đối lập với hầu hết những con người mà ông ta gặp gỡ. Hình như ông ta không tìm được nét tương đồng giữa ông và bọn họ. Ông cảm thấy có một khoảng cách rất lớn khiến ông phải trốn tránh. Tại cơ quan làm việc, ông có một căn phòng để sau những giờ giải lao ông lao vào đó. Sự đối lập giữa những con người bình thường và người cô độc như George. Sự đối lập và bổ sung trong lối kết cấu nhân vật trong truyện đã giúp cho truyện thêm rõ ràng, bởi lẽ thông qua sự đối lập đó cho thấy sự khác nhau giữa thế giới của người cô độc và xã hội bên ngoài.
Không gian và thời gian là hai yếu tố chịu sự chi phối và tác động lẫn nhau. Trong tác phẩm, nhiều khi yếu tố không gian, thời gian được lướt qua theo mạch của sự kiện, do vậy lúc này cả hai yếu tố thi pháp này bị đánh bật khỏi sự kiện một cách cục bộ. Việc phân bố thời gian như thế nào đều bị chi phối rất rõ của người kể chuyện và đều mang một ý đồ nhất định, làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, không bị nhàm chán bởi cách kể chuyện truyền thống. Việc kết hợp một cách hợp lý không gian và thời gian đã tạo nên một phần đặc sắc cho tác phẩm Người cô độc. Không gian và thời gian trở thành phương tiện giúp tác giả thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Là tác phẩm được xây dựng trên câu chuyện do chính người kể chuyện ngôi thứ ba đã đem đến những cảm nhận rất thật về nhân vật. Nó đã góp phần làm cho người đọc nhận ra những tình cảm, những bài học rất dung dị nhưng vô cùng sâu sắc, đồng thời giúp người đọc khám phá những điều đáng quý trong cuộc sống và biết yêu thương chia sẻ với mọi người.



Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, ngôn ngữ  có vai trò quan trọng tạo nên tính đặc sắc của tác phẩm văn học, đồng thời góp phần làm nên cá tính riêng trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Theo từ điển thuật ngữ 
Ngôn ngữ của nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính của nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: Nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời pháp âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lắp lại những từ, câu mà nhân vật thích nói kể cả từ ngoại quốc và từ địa phương…Trong các tác phẩm tự sự, nhà văn thường trực tiếp miêu tả phong cách ngôn ngữ nhân vật.
Dù tồn tại dưới dạng nào hoặc được thể hiện bằng cách nào, ngôn ngữ nhân vật bao giờ cũng phải đảm bảo sự kết hợp sinh động giữa cá thể và tính khái quát, nghĩa là một mặt, mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, có “lời ăn tiếng nói” riêng, mặt khác, ngôn ngữ ấy lại phản ánh được đặc điểm ngôn ngữ của tầng lớp người nhất định gần gũi về nghề nghiệp, tâm lí, giai cấp, trình độ văn hóa,…
Lời trực tiếp trong văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng là lời các nhân vật đối thoại với nhau. Nhân vật của tiểu thuyết luôn luôn được đặt trong những cuộc đối thoại, hoàn cảnh, càng gay go, căng thẳng, tính đối thoại càng quyết liệt. Đối thoại là một trong những đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại, thông qua ngôn ngữ đối thoại, cá tính, quan điểm và suy nghĩ của nhân vật được biểu lộ. Do đó, đối thoại là biện pháp nghệ thuật, một tín hiệu thẩm mĩ. Nhờ đối thoại mà các vấn đề tác phẩm đặt ra được xem xét dưới nhiều điểm khác nhau. Đối thoại trực tiếp có ưu điểm là gây các tình huống bất ngờ, tạo cảm giác thật của đời sống đã khúc xạ qua lăng kính nhà văn…thông qua ngôn ngữ đối thoại hiện thực tâm lý con người có độ sâu sắc hơn và hiện thực cuộc sống cụ thể hơn. Chính vì vậy, các nhà văn đã sử dụng đối thoại như một biện pháp nhằm thể hiện nhân vật của mình một cách khách quan và toàn diện.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, độc thoại nội tâm “là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó [5,tr.122]. Độc thoại nội tâm giúp con người bộc bạch những cảm xúc, suy nghĩ khó nói. Độc thoại nội tâm có chức năng truyền đạt hoạt động nội tâm như: suy nghĩ, trăn trở, khát vọng, niềm vui, nỗi buồn và những lo toan thầm kín về bản thân hay người khác. “Tiểu thuyết lịch sử của L.Tônxtôi, độc thoại nội tâm được truyền đạt gần như không có sự can thiệp của tác giả, phản ánh được cả ý thức lẫn vô thức của nhân vật” [5,tr.122]. Tính hướng nội vào thế giới bên trong là đối tượng miêu tả chủ yếu, điều này phù hợp với cảm quan đời thường, quan niệm nghệ thuật về con người đa diện.
Có thể nói, chỉ dưới hình thức độc thoại này, nhân vật sự bộc bạch, phô diễn những điều trong sâu thẳm của mình, và từ đó có được “lời nói tối hậu về con người”. Nó đã khám phá “con người trong con người” bằng tất cả những phương tiện vốn có của nó. Nếu không có dòng ý thức nội tâm của nhân vật, đồng thời ngay bản thân nhân vật cũng không thể có được một sức sống nội tại lớn lao, một cảm quan sâu sắc.
Ở một phương diện khác, độc thoại nội tâm gắn với sự tự ý thức của nhân vật đã bày tỏ thái độ, lập trường, “ngôn ngữ hướng nhân vật và sự kiện, đặc biệt trong cách sử dụng các biện pháp tu từ, hình ảnh, những cụm từ định giá, sự biểu hiện cảm xúc hoặc chủ quan”. [11,tr.37]
Nếu như đối thoại là có sự qua lại giữa người nói và người nghe “hô - ứng), thì đối thoại nội tâm chính là một phần của đối thoại. Ở trong tác phẩm có những lúc nhân vật tự đối thoại với chính mình, nhân vật tự nhìn thân thể trong chiếc gương để nói về chính mình, nhận xét về hoàn cảnh thực tại của bản thân. “Vừa ngắm mình trong gương với vẻ chán ghét và khôi hài, George tự nhủ “lão già ngớ ngẫn, mày định quyến rũ ai chứ?” rồi chùm chiếc áo phông qua cổ.” [tr.137]
Hay có những lúc ông tự hỏi chính mình “Ta có thực sự muôn gặp cô ấy hay không?, “Điều khỉ gió gì khiến ta muốn làm như vậy?” [tr.148].
Qua ngôn ngữ đối thoại nội tâm, ta thấy ở nơi nhân vật này luôn có sự đấu tranh, giữa có nên làm hay không và ông tự ý thức về chính cái hiện tại của mình.
Theo Từ điển Thuật ngữ văn học: “Ngôn ngữ người trần thuật là phần lời văn độc thoại thể hiện sự quan điểm của tác giả hay quan điểm người kể chuyện (sản phẩm sáng tạo của tác giả) đối với cuộc sống được miêu tả, có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện tạo hình và kiểu ngôn ngữ” [5,tr.212-213]. Như vậy, ngôn ngữ người trần thuật không những có một vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả. Ngôn ngữ người trần thuật có thể có một giọng (chỉ nhằm gọi ra sự vật) hoặc có hai giọng (như lời nhạt, mỉa mai, lời nửa trực tiếp…)thể hiện sự đối thoại với ý thức khác về cùng một đối tượng miêu tả.
Ngôn ngữ người trần thuật dưới hình thức người kể chuyện ngoài đặc điểm như trên còn mang thêm các sắc thái, quan điểm bổ sung do lập trường, đặc điểm tâm lý, cá tính của nhân vật – người kể chuyện mang lại.
Ngôn ngữ người kể chuyện có thể là ngôn ngữ của tác giả hay ngôn ngữ của người trần thuật. Nó bao gồm tất cả những phát biểu trần thuật kể câu chuyện (không bằng lời) về các sự kiện, hoặc đó cũng là lời đánh giá, diễn giải của người kể chuyện. Người kể chuyện có thể bình phẩm lời diễn ngôn, hay có thể nói trực tiếp với độc giả. Nói cách khác, ngôn ngữ của người kể chuyện là phần lời của tác giả, của người kể chuyện (toàn bộ văn bản tác phẩm, ngoại trừ các lời nói trực tiếp của nhân vật), bao gồm việc kể và miêu tả các hành động và các biến cố trong thời gian, mô tả chân dung, hoàn cảnh hành động, tả ngoại cảnh, tả nội thất,…, bàn luận, lời nói trực tiếp của nhân vật.
Ngôn ngữ của người kể chuyện thường chủ yếu tồn tại dưới dạng lời kể, lời tả, lời bình luận.
Trong Người cô độc sử dụng phương thức trần thuật ở ngôi thứ ba là chính nên lời kể chuyện của người trần thuật chủ yếu là khách quan. Bằng lời kể của mình, người kể chuyện dị sự trong Người cô độc đã thuật lại toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của George, nhân vật chính của truyện. Thông qua lời kể, người kể chuyện đã cung cấp cho chúng ta một lượng thông tin phong phú, sự đa dạng về cuộc đời, tính cách, thói quen, sở thích, thậm chí cả lối sống của nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, đa diện và đặc biệt làm cho nhân vật rất gần gũi với đời sống hiện thực. Có thể nói, hiệu quả trong việc mô tả thuyết minh hành động, tính cách nhân vật mà lời kể mang lại rất lớn. Cũng nhờ lời kể chuyện mà người đọc biết rõ về bản chất và hoàn cảnh sống hiện tại của George. Qua lời kể, chúng ta biết được Geo đang phải chật vật với cuộc sống và đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống như thế nào. Bằng lời kể của người trần thuật, các sự kiện trong tiểu thuyết được dựng lại với đầy đủ chi tiết, mâu thuẫn, xung đột,… Người kể chuyện cho biết nguyên nhân dẫn đến bi kịch hiện tại của Geo là sự ra đi của Jim “Và giờ, tại nơi đây, ông dừng lại trong khoảnh khắc và nhận thức với một nỗi thống khổ tột cùng như thể nó chỉ mới vừa hôm qua đấy thôi: Jim đã chết. Đã chết” [tr.18] và giờ Geo đang phải vật lộn với cuộc sống.
Trong tác phẩm tự sự, ngoài lời kể còn có lời tả của người kể chuyện. Khác với lời kể, lời tả xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào ý đồ của nhà văn: “Lời tả góp phần nâng cao hiệu quả trần thuật, như là một chiến lược trần thuật của người kể chuyện” [7,tr.96]. Việc miêu tả góp phần làm cho câu chuyện thêm sinh động, nhân vật trở thành có máu thịt, có môi trường sống. Theo Genette, trong khi kể, người kể chuyện có thể ngừng lại để chuyển sang miêu tả để làm chậm lại diễn tiến câu chuyện.
3.2.2. Lời bình luận
Giống như lời kể và tả, lời bình luận là một loại phát ngôn của người kể chuyện. Nếu lời kể và tả vẫn giữ được phần nào tính khách quan thì lời bình luận là lời phát biểu trực tiếp của người kể chuyện. Thông qua lời bình luận người đọc có thể đoán định được quan điểm, thái độ của nhà văn đối với các nhân vật và các sự kiện đang diễn ra trong quá khứ. Nói cách khác, thông qua những lời nhận xét, bình luận, người kể chuyện dễ dàng bộc lộ cách nghĩ riêng, mang đậm cá tính sáng tạo. Đôi khi, chúng được nâng lên thành triết lí mang cá tính sáng tạo của nhà văn. Đồng thời, lời bình luận còn có khả năng tăng cường sự sáng tạo hay gây nhiễu chủ đề một cách người mang quan điểm, tư tưởng, thái độ của nhà văn đã dung những lời bình luận để trực tiếp bày tỏ thái độ.    
Ngôn ngữ người kể chuyện là ngôn ngữ của người dẫn dắt câu chuyện và kể lại câu chuyện, nó có thể là ngôn ngữ của tác giả hay ngôn ngữ của người trần thuật, có thể tham gia vào câu chuyện hoặc không tham gia vào câu chuyện. Còn ngôn ngữ nhân vật là ngôn ngữ của người trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Việc xóa mờ khoảng cách của ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đang được các nhà văn sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật đắc dụng, nó làm cho câu chuyện được kể ra có sự linh động hơn, hấp dẫn hơn. Mỗi câu chuyện sẽ cần một cách trần thuật khác nhau, có khi phải có sự kết hợp giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật để câu chuyện uyển chuyển hơn, nó vừa được sáng tạo khách quan cho câu chuyện, vừa tạo nên sự tin tưởng và gần gũi đối với nhân vật trong câu chuyện. Sự nhòe mờ giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật kiến cho giọng của người kể chuyện và giọng của nhân vật hòa lẫn vào nhau, giúp cho người kể chuyện có thể dễ dàng xâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật. Vì vậy nhiều khi người đọc không phân biệt được đâu là lời dẫn dắt của người kể chuyện, đâu là lời của nhân vật.   
3.3. Sự đa thanh, phức điệu của giọng điệu nghệ thuật
Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ, có vai trò rất lớn trong việc xác định phong cách nhà văn. Trong quá trình sáng tác, mỗi nhà văn đều trăn trở để tìm giọng điệu sao cho phù hợp với tác phẩm của mình. Giọng điệu được thiết kế bởi mối quan hệ, lập trường, tư tưởng, tình cảm của người kể chuyện với các hiện tượng, các sự kiện được miêu tả cũng như tạo thành giọng điệu nghệ thuật.
Với tài năng và những xúc cảm chân thực, Isherwood đã tạo nên cho mình một phương thức trần thuật độc đáo, lôi cuốn người đọc bằng một giọng kể đa thanh, phức điệu, góp phần thể hiện câu chuyện một cách sâu sắc, giàu ý nghĩa. Tác giả Isherwood đã sử dụng các giọng điệu nếm trải, chiêm niệm, hài hước, bông lơn, buồn thương, xót xa.        
Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy giọng điệu nếm trải, chiêm niệm được thể hiện khá nhiều trong tiểu thuyết của Isherwood. Với giọng nếm trải, người kể chuyện trong tiểu thuyết sẽ kể về những gì con người chúng ta đã từng chứng kiến, trải nghiệm và những cảm xúc về những gì đã trải qua. Đây là chất giọng hiệu quả nhất để biểu đạt những cảm xúc nội tâm của con người. Mỗi nhân vật đều mang một nỗi niềm riêng, và bằng chính sự nếm trải của mình họ cất lên tiếng nói hoài niệm về những gì đã quan, để nhìn lại cuộc sống, số phận của chính họ và những người xung quanh.

 Như vậy, với giọng nếm trải, chiêm niệm, người kể chuyện đã đi sâu khám phá nội tâm tiềm tàng bên trong nhân vật. Mỗi con người đều mang trong mình những hoài niệm, suy tư về cuộc sống, chính giọng điệu nếm trải, chiêm niệm đã tạo nên những nhận xét chân thực về các sự kiện cũng như nhân vật. Đồng thời, giọng nếm trải, chiêm niệm làm cho câu chuyện thêm trữ tình, giúp cho người đọc nhìn nhận những vấn đề trong tác phẩm một cách nhanh chóng và khách quan hơn.
Trong tác phẩm, nhân vật đôi khi cũng tỏ ra hài hước. Ông luôn tạo sự mới mẻ cho các cô cậu sinh viên của mình.
“George cứ đứng đó, trầm lặng và khoan thai như một ảo thuật gia, ông lôi trong cặp ra một cuốn sách và đặt nó lên bàn. Trong khi làm việc đó, mắt ông thong thả đảo qua từng khuôn mặt các sinh viên trong lớp. Môi ông cong lên tạo ra một nụ cười phảng phất nhưng mạnh bạo. Một số sinh viên mỉm cười lại với ông. George thấy việc đối mặt này cực kỳ thú vị. Ông kéo sức mạnh từ những nụ cười, những ánh mắt sáng ngời của chúng ra. Với ông, đây là một trong những khoảnh khắc cao trào nhất trong ngày. Ông cảm thấy sáng ngời, lỗi lạc, sống động, thử thách, một chút bí hiểm và trên hết là lạ lẫm” [tr.73].
“George đứng đó mìm cười im lặng cho họ tận hưởng ý kiến của chính mình và của nhau, chỉ thi thoảng ông mới lên tiếng. Ông đứng đó chủ trì cuộc tranh luận như thể ông đang quản lý quầy bán hang ở lễ hội, khuyến khích đám đông ném và nghiền nát mục tiêu của mình.”[tr.88].
Nhiều lúc ông tỏ ra mình là người hài hước, bông đùa với các sinh viên của mình. Ông đã cố để quên đi những gì khiến ông cảm thấy cô độc, ông đã đưa ra những tình huống khiến cho các sinh viên của ông phải cười và những câu hỏi khiến cho các cô cậu cũng phải thót tim.   
3.3.3. Giọng buồn thương, xót xa
Mỗi nhà văn trong quá trình sinh thành ra những đứa con tinh thần của mình đều thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo. Chính điều đó tạo nên bức tranh nhiều màu sắc cho một nền văn học. Có thể nói, văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội ở mỗi chặng đường lịch sử nhất định, là tiếng nói góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn.
Trong Người cô độc, khi kể về cuộc đời của George, người kể chuyện vừa tỉnh táo để đưa đến những chi tiết sinh động cụ thể, gần gũi nhất đến với người đọc cũng không ngừng quan tâm cảm xúc của nhân vật. Đó là một sự thương cảm, xót xa cho nhân vật. Tác giả đã tạo nên một sự hòa quyện giữa cái khách quan những cũng rất tình cảm. Sử dụng giọng điệu này dường như là sự an ủi cho chính nhân vật. Vừa là cái nhìn sâu sắc, chia sẻ với cuộc sống vất vả của Goerge. Thương cho số phận của George, người cô độc, không có lấy một người tri âm tri kỷ, sự đồng cảm mà tác giả dành cho Goerge có chăng là chính tác giả đã trải qua những ngày tháng như thế, để rồi chính tác giả mới hiểu rõ được nỗi cô đơn đến cùng cực của George. Tác giả đã xây dựng nên nhân vật khá rõ nét, điển hình cho những con người đồng tính, họ vẫn chưa được xã hội công nhận và họ bị thiệt thòi trong cuộc sống. Giọng điệu đã thể hiện rõ tình cảm của nhà văn đối với nhân vật của mình. Đọc hết tác phẩm ta có thể nhìn thấy không chỉ dừng lại ở việc cho nhân vật mình gặp gỡ với những người hàng xóm, bạn bè, sinh viên và những người khác để được trò chuyện hay thậm chí cải vả nhau. Và đặc biệt tác giả đã dành một tình cảm sâu sắc cho nhân vật, một sự quan tâm và dường như tác giả rất hiểu tâm lý của nhân vật.
Người cô độc là câu chuyện cảm động, được biết đến như một câu chuyện dành cho người đồng tính, nhưng giá trị của nó thì vượt ra khỏi sự bó kín của đối tượng. Người đọc sẽ có thể bắt gặp ở đó sự từng trải của một con người dày dạn kinh nghiệm trong cuộc sống, với sự vật lộn không mệt mỏi của mình. Bằng ngôn từ và giọng điệu, Người cô độc như một sự trải nghiệm mới, một cách nhìn nhận mới về những con người thuộc thế giới thứ ba, họ có những mơ ước, lý tưởng sống,…Đó chính là giá trị to lớn mà tác phẩm mang lại và cũng là thành công lớn của tác giả trong việc kiến tạo diễn ngôn.


Người cô độc của Christopher Isherwood mở ra một câu chuyện cảm động về con người, những con người “thiểu số” và “kém may mắn”, vẫn phải vật lộn, trăn trở day dứt và nỗ lực hết mình để có thể thích nghi với thế giới xung quanh, thế giới mà như George – nhân vật chính trong chuyện này đã – gọi là “thế giới của những con người ngoài kia”, những người đỏi hỏi ở ông một lối cư xử và hành vi thỏa đáng.
Chúng ta đã chứng kiến một sự nỗ lực của George trong một ngày, một ngày như bao nhiêu người khác trong, nhưng với Geo thì đó là cuộc sống của một con người gần như đã chết, hay đúng hơn là tù nhân của sự sống. Nhân vật chính đã nỗ lực hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng, nhưng ông ta cảm thấy mọi thứ trở nên khó khăn. Sự ám ảnh về sự ra đi của người bạn đời đã khiến ông bi quan về cuộc sống, có lúc ông đã nghĩ đến cái chết, cái chết như là sự giải thoát đối với ông. Với những người mà gặp gỡ ông, họ cho rằng ông đã quá thay đổi và ông đang sống và sinh hoạt như một người xa lạ đối với họ.
Với con người đã nếm trải biết bao sóng gió của cuộc sống, quan niệm về cuộc sống, về nhân sinh đã được ông đúc kết và phát biểu. Với ông mọi thứ chẳng là gì hết, ông bi quan trước thực tại, nên ông đã tự thu mình lại, tự thốt mình trong sự cô độc. Câu chuyện đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới – về những người đồng tính. Thế giới của họ không giống như thế giới của chúng ta, họ có những khát khao, ham muốn khác thường. Họ mong người khác chấp nhận, đối xử với họ như những con người bình thường. Geo đã cố gắng sống, làm việc để mong tìm được niềm vui, nhưng mọi thứ với ông thật là khó khăn. Bởi vậy, đôi khi trong chính con người ông có sự lẫn lộn giữa vui buồn, hài hước, nhưng có lúc cười ra nước mắt, những giọt nước mắt của một con người bị bỏ rơi, nỗi đau tinh thần xâm chiếm lấy ông.
Người cô độc đã thực sự tác động mạnh mẽ đến tâm hồn của bạn đọc, đặc biệt là những người đồng tính. Chính ở tác phẩm này, họ đã nhận được sự đồng cảm, bởi họ cũng ở trong tình trạng như vậy. Tác phẩm đã góp tiếng nói tích cực trong phong trào đấu tranh quyền lợi cho người đồng tính. Tác gải cũng gởi đến cho bạn đọc một thông điệp là hãy quan tâm đến những người kém may mắn, họ cũng cần được sự đồng cảm, sẻ chia để họ cũng sống một cuộc sống như những con người bình thường.
Tác giả kết hợp khéo léo trong việc lựa chọn người kể chuyện ở ngôi thứ ba, điểm nhìn trần thuật, không gian và thời gian, ngôn ngữ và giọng điệu đã làm nên giá trị cho Người cô độc. Nó thêm một lần nữa khẳng định vì sao tác phẩm lại được đón đọc nhiều và được nhiều nước trên thế giới dịch ra. Không quá đề cao vai trò của nghệ thuật trong tác phẩm nhưng có thể nói nghê thuật trần thuật với sự kết hợp của các yếu tố một cách đồng bộ là nhân tố không thể thiếu trong một tác phẩm. Nó tồn tại hiện hữu trong tác phẩm và đóng góp một vai trò lớn trong việc làm nên giá trị của Người cô độc. Qua tác phẩm của nhà văn Christopher Isherwood, chúng ta nhận ra được nhiều bài học quý giá mà có thể những trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống thực tế không thể có được. Đó là giá trị cao nhất mà tác phẩm đưa lại cho độc giả đã từng tiếp xúc với tác phẩm.    


1. Phan Đăng Dư – Lê Lưu Oanh (2006), Giáo trình lý luận văn học, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội
2. Hà Minh Đức (1999), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội
3. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội
4. Đỗ Đức Hiểu (2004), Từ điển văn học, NXB Thế Giới, Hà Nội
5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (2007), Từ điển thuật ngữ Văn học, NXB Giáo Dục, Hà Nội
6. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (2002), Lý luận văn học – Vấn đề suy nghĩ, NXB Giáo Dục, Hà Nội
7. Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo Dục, Hà Nội
8. Trần Huyền Sâm (2010), Những vấn đề lý luận Phương Tây hiện đại -  Tụ sự học kinh điển, NXB Văn học, số 8
9. Christopher Isherwood (2012), Người cô độc, NXB Hội Nhà Văn
10. Manfried Jahn (2005), nhập môn lý thuyết trần thuật, Nguyễn Như Trang dịch, Hà Nội                           
11. Manfried Jahn (Nguyễn Thị Như Trang dịch) (2005), Trần thuật học,  nhập môn lý thuyết trần thuật, Hà Nội (Tư liệu chưa xuất bản)
12. Iu.Lotman (Trần Ngọc Vương và một số tác giả khác dịch) (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, NXB. Đại học Quốc gia, Hà Nội